Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

CỰU CHIẾN BINH


Tềt Nhâm tuất đầu năm 1982, tỉnh Thuận Hải gửi quà cho các chiến sĩ đòan 5504, Tỉnh đội Thuận Hải, trong đó có bánh kẹo, nước mắm và thư của học sinh trung học gửi các chiến sĩ nơi xa. Do đường giao thông bị tắc cuối mùa khô phải gửi lại tại đơn vị K22. Ở đây, có lẽ mùi nước mắm xứ Phan quá thơm, cám dỗ đám lính rừng nên đêm nào đi tuần tra cũng thấy có dấu hiệu rò rỉ, và những lá thư dần dần được bóc tem, được giới thiệu rộng rãi trong đơn vị. Một số đã lấy địa chỉ ghi trong thư để viết “thư tọa độ” trong đó có MTL. PH đã viết cho L nhưng chỉ được 2 lá thì bí vì cô bạn này thuộc lọai khá cứng.
Trong lúc rỗi rãnh và quá buồn sau chuyến về phép, mình cũng viết vài cái cho bạn học cũ ,vài cái gửi “tọa độ” để rồi chờ sốt ruột chẳng thấy gì. Có lẽ hơn nửa số ấy là địa chỉ ma, phần còn lại rơi rớt dọc đường hoặc đến tay người nhận vào thời điểm nóng quá nên cũng cháy tiêu luôn. Đêm 12 tháng 11 năm 1982 mình đã thay PH viết cho MTL và mở đường cho nhữnh cánh thư StưngTreng-Phan Thiết. Cũng từ đó thư từ với L là niềm vui, nỗi nhớ, là những ngày ”bốc, hăng” trong công tác,là những phút lặng yên suy tư bên ngọn đèn con heo hắt giữa rừng K. Tình bạn là viên ngọc quí của cuộc đời, nó càng quí vô cùng với người lính xa nhà, sống quạnh hiu nơi đất bạn, trong cái xó rừng mà không ngôn từ nào thân thiết ngòai tiếng thì thầm muôn thuở của lá rừng, của chim hoang dại, tiếng hú của vượn, tiếng rúc của lòai cú và những bản nhạc buồn của lòai giun dế. Ngòai đồng chí, đồng đội ra có lẽ chỉ có những ngôi sao nhấp nháy suốt đêm thâu làm bạn mà thôi.
Ban đầu mình nghĩ: L có lẽ là một cô gái con nhà khá giả,có học, hơi kiêu, bứơng và lý sự một cây. Có thể trời phú cho một hình dáng đẹp, một giọng hát hay hoặc một cái gì đó để mà tự hào chư ! Thực tình mình thích cái khỏan” bướng, lý sự “ ấy, mình đã viết thư cho L chỉ vì chừng đó thôi và hy vọng sẽ tiếp tục được lâu dài cho đến khi mình giả từ đất nước rừng rú này. 9 tháng 12 năm 1982 mình nhận được lá thư đầu tiên của L và “một chú nai tơ trèo đèo vượt núi lên với L đó, hãy thương nó nhe ”. Cô bạn xứ Phan đã làm mình ngạc nhiên và vui sướng vì ngay lá thư đầu tiên bạn đã tặng mình một sản phẩm đầu tay của bạn: con nai kết bằng lá buông và những lời tâm sự chân thành.
Bấy giờ thì bức phác họa về chân dung của L đã đổi thay nhiều. Cái nét “hơi kiêu” đã mất hẳn, đường vẽ “bướng” cũng nhạt nhòa, còn cái nền” lý sự một cây” được thay bằng “văn hay,chân thành, lôi cuốn”. Những lá thư vẫn tiếp tục đi về, tình bạn càng thêm gắn bó. Bao nhiêu giả thuyết về” người bạn không chân dung” được xây dựng rồi đổ vỡ nhanh chóng và càng ngày mình càng hiểu hơn :“Rừng Campuchia vẫn xanh như L chờ thư L, biển Phan Thiết vẫn trong như tình bạn L dành cho L”. Đúng vậy đó L ơi ! Bạn đã dành cho mình tất cả sự chân thành, trong sáng của tình bạn, đã tâm sự với mình tất cả những vui buồn, va vấp, những biến đổi trong cuộc sống tình cảm, những uẩn khúc của gia đình L, với mình hình như bạn không giấu gì cả… Còn mình chỉ có chờ thư, đọc, trả lời, thỉnh thỏang gửi cho bạn vài mẫu hoa, lá lạ của rừng K nhưng nói chung tất cả chỉ gói gọn trong vòng” thư tọa độ “.Có lẽ công tác của một chủ nhiệm quân y đơn vị độc lập đã làm mình mệt nhòai, đầu óc không còn đằm thắm, thanh thản được nữa, chính vì vậy mà tình cảm dành cho “cô bạn xứ Phan” đôi lúc bùng cháy mãnh liệt, thôi thúc, dồn dập như những triệu chứng của một cơn sốt rét ác tính đôi lúc cứ rề rề như cơn mỏi mệt sau đợt cúm. Tất cả những vui buồn, giận dỗi của L ngày càng đi sâu vào cuộc sống nội tâm của mình. No không còn trừu tượng nữa mà cụ thể hóa dần dần. Với mình nó có thể là một làn gió mát, giữa đêm hè oi bức văng vẳng tiếng tắc kè kêu giữa rừng K. Nó là một thóang mây trôi trong ngày đỏ lửa, là cơn mưa bao ao ước giữa mùa khô. Cũng có khi là một vết cắt trên da, một vết thương không thể lành trong tâm khảm. Cuộc sống của người lính rừng xa giống như một chiếc cối đá. Sau những ngày tất bật, gian khổ, chết chóc, những đêm dài hành quân truy quét, những niềm vui nho nhỏ lại trở về với nổi buồn, nhớ không nguôi. Tình bạn phương xa đã nhiều lúc làm nhạt nhòa cái vòng quay buồn tẻ đó, giúp mình một nghị lực, một niềm an ủi để vượt qua bao trở ngại, thử thách phía trước.
Tháng 5 năm 1983, L đã dành cho mình biết bao hạnh phúc với 3 lá thư trong một tháng và 1 tấm hình của MTL: “Lúc tròn 20 tuổi 20/2/1983. Chúc mừng sinh nhật L 23/5”. L đã làm mình bỏ ăn mấy bửa cơm liền, làm việc với sự hăng say đặc biệt và giấc ngủ mỗi đêm dường như ngắn lại với bao mộng mị. Mình càng nung nấu ý định sẽ tìm đến thăm L lúc về lại VN, dù lúc đó L không còn là L của ngày trước, dù bạn có tiếp đón mình với sự dửng dưng, dù mình trở về với trái tim tan nát, mình vẫn đến. Không phải vì L đẹp, L dễ thương…làm mình phải cất công “ mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua mà chỉ vì bạn có một tâm hồn trong sáng quá, biết cảm thông với những vui buồn của người lính rừng xa và bạn đã chân tình với mình ngay từ lúc ban sơ. Mình đã viết cho L ý định đó và cả những suy nghĩ đang thôi thúc mình thực hiện. Đáng tiếc, một chút hiểu lầm và thời gian đi về của mỗi cánh thư lại quá lâu ( gần 60 ngày ) đã làm tình bạn chúng mình rạn nứt , có khi đành phải chấm dứt. “ Tình bạn như ngọn lủa hồng trong không gian giá rét, nếu ta không biết nhen nhóm thì nó sẽ lụi tàn để lòng ta lạnh lẽo cô đơn.” Phải chăng mình không biết nhen nhóm ? Hay mình đã chọn lầm bạn như L viết ? Có thể do 2 quan điểm sống khác biệt nhau chăng ? Không đâu L ơi chỉ vì chúng ta quá xa nhau về không gian và hòan cảnh sống cũng cách biệt quá. Cho nên một hiểu lầm nho nhỏ sau cả tháng đợi chờ sẽ trở thành sự kết thúc đớn đau.
16 tháng 8 năm 1983, rất đau lòng khi viết cho L những lời tạm biệt. Chắc L sẽ buồn nhiều khi nhận được thư. Dẫu sao “ cắt đứt với dĩ vãng là điều vô cùng khó khăn và đau khổ” L nhỉ. Không trách L đâu nhưng mình chẳng lòng nào nghĩ đến ngày mai, mình vẫn mong rằng sau những giận hờn, trách mong, hiểu lầm, tình bạn sẽ vững bền hơn. Mới quen nhau chưa tròn một năm phải không L. Với bạn 12 tháng có lẻ ngắn ngủi và chóng vánh, vài cơn mưa dịu mát lòng người, vài tháng nắng nhuộm hồng hàng phượng, ve kêu gọi mùa thi, rồi một cái tết thế là hết năm. Còn mình 365 ngày dài đăng đẳng, đôi lúc nó vùn vụt trôi qua theo những niềm vui, những trang thư. Thường thì nó uể ỏi kéo rê trong nổi nhớ, trong những chiều buồn, những đêm vắng nóng bức ,ngột ngạt và sâu thẳm, với tiếng tắc kè kêu giữa rừng K. Một năm của mình sẽ ngắn ngủi hơn nếu tình bạn chúng mình ngày càng phát triễn và sẽ dài vô tận khi mình đọc lên những lời cuối cùng của L. Nổi buồn sẽ bắt đầu trĩu nặng trong lòng mình, những đêm cô đơn dài nhung nhớ cũng sẽ bắt đầu khi mình cầm bút viết cho L lời tạm biệt. Thế là hết, rừng K vẫn xanh nhưng mình không còn chờ thư nữa. Biển PT vẫn trong nhưng chẳng phải dành cho NL nữa đâu L nhỉ. Mình như kẻ mất hồn, vẫn sống , làm việc, cười đùa với bạn bè, đồng đội. Nào ai biết đâu đó là tất cả những cố gắng, nổ lực che lấp một vết thương lòng…Nhưng rồi L vẫn viết thư cho mình, những dòng chữ thân quen như nhảy múa trước mắt, không gian òa vỡ theo bao tâm sự thầm kín của L, chuyện tình yêu, ước mơ, quan niệm về hạnh phúc…chân thật và buồn. Chắc tại “ trời thì không nắng cũng không mưa, chỉ hiu hiu lạnh cho vừa nhớ nhung “ nên L nhớ nhiều về người bạn ở K và ngỡ rằng “…chắc với NL hôm nay PT cũng chẳng còn gì để đáng nói, đáng nhớ hết…hết thấy cần thiết có thư của nhau để giải sầu rồi phải không NL ? “ Dễ gì quên được L ơi ! Mình không viết cho L nữa vì nghĩ rằng chỉ làm bạn buồn hơn, vướng víu làm chi một tình bạn cỏn con, mong manh như khói lam chiều và xa vời như ảo mộng. Hãy để cho nó chìm vào lãng quên, vùi trong lòng đất ẳm như lá rừng K, tan vỡ như bọt sóng biển PT đi L.L có nhớ đã viết cho mình “chuyện chiến tranh, chuyện rừng biên giới là của cánh đàn ông, còn con gái bọn mình thường chỉ biết có xa hoa và không chờ đợi đâu NL “
Không biết có phải ở hiền gặp lành hay không, đúng lúc đã rã rời thân thể, tâm hồn cũng tan nát tả tơi, tôi nhận được quyết định chuyển về đòan 556 để giải quyết ra quân. Suốt cả tuần lễ chạy ngược xuôi, từ K lên cục (cục HC bộ tư lệnh tiền phương QK5) rồi lại vào viện Quân Y 21, đơn vị chủ quản của trường Quân Y, để năn nỉ, mồi chài, hứa hẹn tìm cho bằng được một chú quân y mới, về nhận bàn giao cho mình. Lại đi tìm xe về nước, khó khăn chồng chất ngày về, nếu không lẹ có khi vào mùa chiến dịch lại lên đường, rồi làm bạn với giun dế ở rừng K như bao người khác. May thay có chiếc xe GMC xì tech 40 feets vừa trả hàng xong sắp quay về VN, tôi phải hối lộ đám lái xe con dao găm 5 tác dụng mới cáu của Tiệp, họ cho tôi leo lên nằm trên nóc tech, mệt mỏi thì leo xuống bám khung gương chiếu hậu của xe. Cứ thể tôi lắc lư suốt 3 ngày đêm về đến Pleiku một xế chiều đông. Đói, lạnh tôi lại vác balô, chòang tấm nilon chạy xuống, chạy lên những con đường của phố núi để khỏi bị cóng ,mà “ ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”. Gặp thêm 3 “đồng chí” cựu binh nữa, thế là 4 thằng chồm hổm, chụm mặt vào nhau, trùm tấm nilon ngồi giữa phố núi chịu đựng cái lạnh buốt xương cho đến sáng hôm sau. Vào bến xe Pleiku, nhìn những bộ quân phục đầy bụi đường và những khuôn mặt hốc hác, người ta nhanh chóng bán vé mà chẳng phải xếp hàng rồng rắn như thiên hạ. Lại nhồi nhét trên xe đò 1 ngày nữa mới đến Đà Nẵng.  2g10ph sáng 20/12/1983, trở về nhà sau 3 năm xa cách, tôi được đón tiếp thật nồng hậu bằng những tiếng la thất thanh, tiếng đập chân phành phạch vào giường, vào tường của chị H, của chú em út, ai cũng ngỡ tôi là trộm nhập nha.
Về nhà chưa nóng chổ, tôi lại vác balô lên đường vào Sài Gòn, nói dối là vào thăm bà con bên ngọai lâu nay chưa hề tới, thực ra tôi vào đó để đi Phan Thiết, gặp cho được cô bạn của những năm tháng ở rừng K. Vào  SG tìm được nhà dì T ở Bảy Hiền rồi lại hấp tấp ra bến xe đi PT. Một buổi chiều đầu xuân,11/1/1984, tôi bước chân xuống bến xe PT, cầm cái balô thấy nhẹ tênh, lật ra sau thấy bị rạch một đường, bộ quân phục đem theo lòi cả ra ngòai, mất ít tiền còm và mấy cuốn sổ tay, có lẽ bị dân bụi ở SG chôm rồi. Tôi lặng lẽ lội bộ dọc ngang cho biết xứ sở nước mắm này, đi đâu cũng ngửi thấy mùi của nó, cái mùi đã mai mối cho tình bạn chúng tôi. Tôi tìm đến một cửa hàng quốc doanh để giải quyết cái dạ dày, nhân tiện chỉnh đốn trang phục chuẩn bị gặp nàng. Thấy tôi bước vào xếp hàng mua vé phần ăn, một cô bé tuổi đôi mươi cười hồn nhiên, nắm tay tôi chỉ vào một bàn trống:
- “Anh bộ đội khỏi xếp hàng, kêu em lấy cho rồi tính tiền”. 
Nhìn lên bảng giá tôi chỉ dám mua 2 cái bánh cam chiên và một ly đá chanh. Cố để mắt tìm tôi cũng chẳng tài nào thấy phòng vệ sinh, lại rụt rè hỏi thăm. Một cô gái khác nhìn tôi và cười như thân nhau tự bao giờ :
-” Không có đâu anh ơi “. Tôi nhìn vào ly đá chanh :
-“Cho anh xin ít đá được không ?”
-“Được thôi anh bộ đội ơi “ Trời ạ! con gái PT sao dễ thương rứa !
An uống xong tôi bọc hết nước đá lại, ra đường tìm chổ vắng rửa mặt mũi, hai tay bằng những cục đá ấy.
Nhà L ở số 22, đường N.Ô, gần cầu THĐ. Tôi hỏi thăm những cô gái dọc đường ( chỉ hỏi con gái thôi, biết đâu gặp chính nàng hay bạn bè của nàng ) cầu THĐ đây rồi, rất giống với những gì L viết cho mình : hai bên là những dẫy tàu đánh cá xếp hàng, xa xa những ngôi nhà thấp, dài với những chiếc chum lớn làm nước mắm . Cạnh chân cầu là hợp tác xã QC, nơi L đã làm con nai tơ bằng lá buông gửi tặng mình đây. Tôi hồi hộp đi qua, nhìn vào xem thấy tòan là con gái, em nào cũng có nụ cười hớp mất hồn tôi. Tôi dừng lại trước căn nhà số 22, đóng cửa. Bên cạnh là một ngôi nhà dài và sâu hút, xếp đầy những cái chum thành nhiều dẫy, một phụ nữ chừng hơn 40 dáng khắc khổ, cam chịu đứng lặng lẽ bên cửa, nghe tôi hỏi MTL, dì ấy nhìn tôi, ánh mắt thật dịu dàng :
-“L đi làm ở tỉnh đòan chưa về, khỏang 4g30 con quay lại nhé ! Hay ở đây chờ đi “.Tôi cảm ơn dì và hẹn lát nữa đến. Tôi lại lang thang trên phố nhỏ xứ Phan, hỏi đường đến tỉnh đòan. Cũng chẳng bao xa vì PT nhỏ bé, đâu bằng ĐN. Tôi đứng ngòai hàng rào sân tỉnh đòan, nhìn vào trong thấy mấy cô gái đang chơi cầu lông, tôi cứ mong L đâu đây. L ơi bạn có biết mình đang nôn nao, hồi hộp chờ từng chút thời gian trôi đi hờ hửng.
Đúng 4g30 chiều, tôi dừng chân trước căn nhà đầy quyến rũ ấy: 22 đường NÔ. Cửa mở nhưng chẳng thấy ai, tôi run run chậm rãi bước vào định lên tiếng hỏi thăm bỗng …Nàng thanh thóat đi ra từ khỏang tối bên trong nhà, đầu hơi cúi tóc xõa ngang vai, khuôn mặt bầu bầu vẽ dỗi hờn, đôi môi hình cánh cung, nét mầy cong lượn trên đôi mắt to, đen thân thương mà bao năm dài trong rừng K xanh thẳm tôi chẳng thể nào quên. Tôi đứng lặng nhìn nàng cứ như trời trồng. Nàng bàng hòang nhận ra một anh bộ đội trong sân nhà, đang “nghía” nàng
-“ Có phải L không ?” tôi cố giữ để giọng khỏi run
-“ Còn anh là…” NL đây, vừa từ K về. Tôi rút từ túi áo trước ngực chiếc bì thư cũ có tên hai đứa, bên trong là hình của L tặng tôi ngày ấy. ”Vào nhà đi anh”.
Hôm ấy bị cúp điện, trong nhà tối om, nàng đi thắp cây đèn dầu, tôi lại có dịp ngắm dáng nàng đi, đứng. Sâu bên trong là người phụ nữ tôi gặp lúc chiều đang thắp nhang, rồi đứng lặng lẽ rất lâu bên bàn thờ như đang khấn vái điều gì.
L quay ra ngồi đối diện vói tôi, ngọn đèn không đủ sáng để tôi có thể ngắm nàng thỏa thích, tâm trạng tôi lúc ấy thật khó tả, tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, bồi hồi ôn lại kỷ niệm xưa, những dòng thư cũ. L hỏi thăm tôi chuyện gia đình, ba mẹ ngòai ĐN…tôi trả lời bâng quơ với một nụ cười thật thà ( có lẻ hơi ngô nghê ), mắt tôi không rời L.
-“ Sao anh không nói gì hết vậy ? “. Lại cười 
-“ Mình viết cho nhau nhiều rồi, bây giờ mới gặp. Chẳng biết nói gì đây”
Không gian dường như chỉ còn một nửa, bởi nửa kia đang đọng lại giữa nàng và tôi. Nàng nhìn tôi, ái ngại , ngập ngừng
-“ Anh L nè, L rất xúc động khi gặp anh, ước gì mình có thời gian, nhưng lát nữa L phải đi họp ở tỉnh đòan. Anh có ai quen ở đây không ? “
-“Không …à mà có. Không sao đâu L cứ đi đi, mai mốt gặp lại mà! “
-“ Hay..tối quay lại ở nhà L, chỉ có hai mẹ con, mẹ tu tại gia tối đọc kinh đến khuya.”. Tôi đứng dậy giả từ, liếc nhìn đồng hồ treo trên tường, thấy nãy giờ gặp nhau chưa được nửa tiếng. Tôi lại lang thang, định ra bến xe ngồi chờ sáng nhưng ngại đám bụi đời lảng vãng. Bỗng trước mặt tôi ba cái bóng lù lù vác balô quen thuộc , ba chú lính từ đảo Phú Quí về tìm người quen nhưng chưa gặp, nghe đâu ở gần nhà thờ nào đó. Tôi nhập hội cùng đi tìm, PT chỉ có vài cái nhà thờ vậy mà không tìm được. Cuối cùng cả đám mệt quá, trải tấm nilon dưới gác chuông một nhà thờ nằm lăn ra định ngủ, đói,khát nước trằn trọc mãi, đã quá nửa đêm. Xa xa ngôi nhà nào đấy còn sáng ánh đèn, một chú lính cầm cái bình tong đi xin nước, bỗng nghe tiếng la to, rồi những bước chân dồn dập như rượt đuổi nhau chạy về phía bọn tôi, chưa kịp hiểu chuyện gì bọn tôi bị ba cô gái nắm tay, lôi balô, kéo tấm nilon dẫn đi. Oi ! chúa ơi ! Ngôi nhà sáng ánh đèn ấy là nơi bọn tôi tìm kiếm, đang bày ra đầy mâm cơm canh cá thịt, có cả chai rượu đế nữa mới đã chớ. Hôm ấy họ gã chồng cho con, còn dư thừa bao nhiêu đem hết ra cho mấy chú lính no nê một bữa. Chúng tôi quay lại gác chuông lăn ra đánh một giấc quên đời. Chuông nhà thờ đổ hồi, giục giã, lôi tôi dậy, tạm biệt PT với những cô gái mới gặp đã như thân quen, những con đường nồng nàn mùi nước mắm.
Tôi và L thỉnh thỏang gửi cho nhau lá thư nhưng lác đát như lá cuối thu, có lẽ vì cuộc sống bộn bề lo toan, khó nhọc. 20 tháng chạp tức ngày 10 tháng 1 năm 1985 nàng báo tin “Bây giờ em đã có chồng”. 30 tháng 4 năm 1985 lá thư có lẽ là cuối cùng từ L, buồn muốn khóc cả người viết lẫn người đọc “Chia tay NL là một mất mác lớn lao không gì bù đắp được trong đời L, nhưng cứ tiếp tục sẽ có lúc canh không lành, canh không ngọt trong gia đình và mình sẽ tự giằng vặt vì đã ngọai tình trong tư tưởng…(!)”. 22 tháng 1 năm 1987 đọc lại lần cuối cùng, để rồi không bao giờ đọc nữa: MTL người bạn phương xa, hành trang vô giá của đời tôi.

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

HỒN MA BÓNG QUẾ



HỒN MA BÓNG QUẾ
Hồi xưa xóm tôi qụanh hiu lắm, chẳng có bao nhiêu nóc nhà, người ta chủ yếu ở ven bờ sông và dọc theo con đường cái chính. Nhà tôi ở ngay ngã tư, trước mặt là con đường làng từ bến đò qua chợ Hà Thân, đình làng An Thị, chạy gần như song song với bờ sông lên đến chân cầu Trịnh Minh Thế,bên hông nhà là con đường từ bến sông nơi ghe thuyền hay ghé vào sửa chữa hoặc chở nước bán cho các tàu lớn ngòai sông, len lõi trong xóm ra đến đường cái,trong xóm vắng vẽ, nhà cửa thưa thớt lẫn trong những vườn cây rậm rạp, còn lại là gò cát mấp mô với những bụi dúi hoặc vài cây găng đầy gai nhọn, xa hơn là đồng ruộng. Quanh nhà tôi có những bụi chè Tàu làm hàng rào, có một giếng nước rất trong, xóm làng hay đến lấy nước về dùng, cái giếng cũng được ngăn đôi bằng những bụi chè Tàu, nửa bên ngòai có cổng rào bằng tre để tối tối đóng lại. Từ nhà tôi xuống bến sông chỉ cách năm bảy nhà, dân trong xóm chẳng ai có cầu tiêu ,nên cứ chạng vạng tối là đã kéo nhau xuống bến, nhưng cũng chỉ đến 7, 8 giờ tối thôi, chứ khuya hơn chẳng ai dám, vì xóm tôi nổi tiếng nhiều ma lắm ! 
Ban đêm xóm tôi như bãi tha ma, vài ngọn đèn dầu tù mù chỉ đủ để thấy đường đi lại trong nhà, còn xóm làng tối om. Đứng trong nhà tôi nhìn ra hướng đông, cách khỏang chục nóc nhà có một ngôi miếu ba gian, cả ngôi miếu từ trong ra ngòai đều quét vôi trắng, trong miếu thờ mấy vị nào đó nghe nói linh thiêng lắm, mỗi vị đều có cặp ngựa đứng chực sẵn bên cửa, ai lỡ mồm dại miệng động chạm đến, mấy vị ấy lên ngựa rượt theo, không sứt đầu mẻ trán, gãy chân cụt tay thì cũng xuống mồ mới yên. Ngôi miếu nằm khuất trong lùm tre rậm, sau lùm tre là khu vườn um tùm và căn nhà của HD bạn học cùng lớp tôi. Đọan đường ngay trước miếu rất lún với đầy cát, muốn đi nhanh qua đó cũng chẳng dễ dàng gì. Đối diện ngôi miếu là một khu vườn um tùm khác của nhà PH, một bạn học khác của tôi. 
Nhìn hướng tây là bến sông, chỉ cách mấy căn nhà nhưng lại có một cây khế to chặn giữa đường, trên cây đêm đêm có người thấy quỷ một giò ngồi vắt vẻo, đưa cái mỏm chân cụt gõ đầu người qua đường, nhiều người chưa kịp tới bến sông đã vãi cả ra quần. Nghe nói quỷ ấy là một Việt Minh công đồn, rồi đi lạc, địch bắn gãy chân, mù mắt, bò được tới đây bị truy kích dữ quá leo lên cây khế trốn rồi thác luôn ở đấy .Ở bến sông lại lắm ma gia, năm nào cũng có người sẩy chân bị dìm chết, dân vạn đò còn khẳng định đêm khuya có bóng phụ nữ mặc bộ bà ba trắng, tóc dài xõa kín mặt mày lội lõm bõm, có khi còn leo lên ngồi trên mũi thuyền khóc nỉ non.
 Nhìn xuống hướng nam là cây đa trước đình làng An Thị, nơi mà oan hồn uổng tử không chốn nương thân tụ về, hưởng chút khói nhang của thiên hạ. Nghe nói tụi Tây xử tử rồi treo đong đưa trên cành. Dưới gốc đa người ta đặt lăn lóc những bát nhang, chân đèn, những pho tượng sứt mẻ, chạng vạng tối đi qua nhìn vào cứ ngỡ những chiếc đầu lâu. Nhìn lên hướng bắc là bụi cây, gò cát nhấp nhô và bãi tha ma gần nhà ông Biện Dưng. Những đêm oi bức trời hầm dông, người ta thấy những đóm sáng xanh lè của lũ ma trơi rượt đuổi nhau trên những nấm mồ. Những bụi tre um tùm là nơi trú ngụ của ma cây, ma cỏ. Mẹ tôi còn nói cụ cố nhà tôi từng cõng một thây ma cây, nó cố dìm chết cụ khi lội qua bến Đò Xu nhưng không được, cuối cùng người ta thấy cụ bị nhốt trong bụi tre gai, chờ đến sáng hôm sau mới tìm cách đưa cụ ra.
Hồi nhỏ ai mà chẳng sợ ma, sợ quỷ. Xóm tôi thì nhiều lắm lắm, thậm chí trong đám oan hồn ấy có người tôi từng quen biết, từng chơi thân !
Một đêm nọ, nội tôi đang tắm cho mấy anh em phía bên trong giếng, bỗng lóe lên ánh chớp rồi một tiếng “Bùm”, cát đá bay rát cả mặt mũi tay chân, ông cháu tôi bò lê bò lết vào nhà. Kẻ nào đó ném một quả lựu đạn nhầm vào nhà tôi, nhờ cái giếng cản lại ông cháu tôi mới còn sống sót. Vài tháng sau vừa ăn cơm tối xong, tôi ra giếng múc nước bỗng chớp sáng lóe, rồi “Bùm” bên hiên nhà ông Bảy, chỉ cách nhà tôi một con đường bên hông, gạch ngói vỡ vụn rơi rào rào, bà Bảy ẵm con cho bú, chỉ phút chốc đã thành ma cả hai mẹ con, ba người con khác trở nên thương tật. Rồi nửa năm sau ông Bảy đi làm về, dắt chiếc xe Mô bi lết ngang qua đọan đường cát lún trước cái miếu ba, bỗng “Đùng” mấy phát ổng lật nhào lên chiếc xe, đỗ ngang ra đường, hồn via về cõi quỷ. Nghe nói ổng làm chỉ điểm bị xử tử.Từ đó xóm tôi có thêm bót gác dân vệ nằm đối góc với nhà tôi qua ngã tư. Đêm đêm lại đì đùng tiếng súng, đám dân vệ thấy lúc thì ông Bảy cưỡi ngựa lửng thững về nhà, hỏang quá họ bắn, lúc thì bà Bảy ẵm con máu me đầy mình, bay là là từ cây đa đình làng lên, vẫy vẫy cánh tay, sợ quá họ bắn . Có lần cả bót nổ tung vì đám dân vệ bị ma nhát, hỏang quá làm rớt lựu đạn, may mà cả bọn kịp nhảy ra ngòai nên xóm tôi chưa có “ma dân vệ”. Mái tole nhà tôi và nhà quanh đó lỗ chỗ lổ thủng đạn lạc.
Tôi lớn dần lên cùng với những chuyện ma, chuyện quỷ. Cuộc sống khó khăn buộc tôi phải lặn lội trong xóm bán bánh mì đêm đêm, phải tự học cách thích nghi, phải miệt mài đấu tranh giữa sự sinh tồn và những nổi sợ bản năng, rồi tôi cũng được đến trường, được học và tự học nhiều thứ từ túi khôn nhân lọai. Tôi nhận thức rằng : Tri thức là sức mạnh, phải thấu hiểu bản chất sự vật để giải thích được các hiện tượng và giải thóat nỗi ám ảnh. Tôi không còn tin có ma nữa và chẳng có gì phải sợ. Nhưng bấy giờ lại có ma quỷ mới còn đáng sợ hơn nhiều, đó là đám anh chị cô hồn sống, cướp giật, lừa đão, hút chích, mại dâm, đâm chém, xóm tôi thứ đó cũng nhiều. Hồi đó nói đến dân xóm chợ, dân bến phà ai cũng sợ, cảnh sát chế độ cũ cũng ngại, có lần MP Mỹ mò vào giải thóat tụi hải quân đi tìm gái, cũng bị đánh hội đồng, giật đồng hồ. May mắn thay giang hồ cũng có luật riêng, họ làm ăn tứ phương, nhưng nhà tôi ngay ngã tư trong xóm chẳng bao giờ bị quậy, nhiều lắm cũng chỉ là ăn quịt vài món quà vặt mẹ bày bán trước cửa. 
Người ta nói :”Đi dêm có ngày gặp ma” thật đúng, chính tôi đã đụng! Một lần đi bán bánh mì về, đêm ấy trời tối om, lặng ngắt, khuya lắm rồi làng xóm đã tắt đèn đóng cửa. Tôi vác bao bánh mì chỉ còn vài cái, lửng thửng bước đi, gần đến hàng chè Tàu nhà tôi, bỗng bụi chè ngay cổng giếng nước rung rung, một bóng trắng không đầu, không chân tay lắc lư, đong đưa là là sát đất, văng vẳng có tiếng nghiến răng kin kít nghe buốt tận óc. Tôi tóat mồ hôi hột, bủn rủn chân tay, chỉ cách nhà vài bước mà không về được thì còn biết chạy đâu. Nhớ lời mẹ dặn, tôi bấm ngón tay cái vào ngón giữa làm phép, miệng lẩm bẩm cầu Thần, khẩn Phật, ráng bước tới cổng nhà, bóng trắng lắc lư như chồm tới, hỏang quá tôi nhào vào tay nắm bao bánh mì quật túi bụi, có tiếng thét, tiếng rên đau đớn…Mẹ tôi nghe ồn, thắp đèn mở cửa bước ra thấy tôi còn nghiến răng , mồ hôi ướt đẫm .Cái cổng giếng ngã nghiêng, cạnh đó là anh tôi ngồi ôm đầu, bao bánh mì ( lọai bao vải dầy, trắng đựng bột mì của Mỹ viện trợ ) vừa lột ra khỏi người ảnh để bên cạnh !
Một lần khác, tôi ra nhà PN, cô bạn học xinh nhất nhì trong lớp, từng quấn quýt bên tôi suốt những năm cấp hai. Nhà PN ở ngòai đường cái từ bến phà đi lên, hôm ấy đám bạn gái học nhóm, ôn tập thi học kỳ và tôi luôn là ông thầy tận tụy, dễ thương của mấy nàng. Lúc đầu nhóm học có 6 người, rồi các bạn về trước dần vì sợ trời tối. Cuối cùng chỉ còn tôi với PN, trời hôm ấy oi bức, hầm giông, gần khuya bắt đầu sấm chớp, nổi gió, tôi ra về lúc ấy đã nửa đêm. Đường về nhà không xa lắm, chỉ vài trăm mét thôi, nhưng đi qua cái miếu ba ấy tôi thấy rờn rợn trong người. Trời tối lắm, xa xa vài ánh chớp và tiếng sấm rền, không một bóng người, gần tới miếu tôi nhìn chăm chú vào đấy, tay bấm độn, miệng vừa run vừa lẩm bẩm cầu Phật, tôi nhớ không được chạy vì dễ bị ma quỷ hớp hồn. Bỗng có ánh chớp sáng lòe, gió lồng lộng nổi lên, ba bốn cái bóng trắng tóat ào ra đường từ vừơn cây um tùm của nhà PH. Tôi ngồi thụp xuống đất hồn bay, phách lạc, mấy cái bóng trắng cũng biến mất trong tàng cây rậm rạp. Gíó cũng lặng thinh. Tôi cố gắng định thần nhìn vào vườn cây, tối quá chẳng thấy gì, hình như có bốn cái bóng trắng, không đầu, không chân, những cánh tay lặt lìa, lắc qua lắc lại, chúng tụm lại rồi tản ra, chờn vờn, chờn vờn, lẫn khuất trong vườn. Tôi quơ tay quanh người nhặt được một cục đá xanh, đứng dậy đi tiếp. Gió lại nổi lên ào ào, chớp giăng, sấm giật, tiếng cành khô gãy răng rắc, văng vẳng tiếng khóc thét của đứa bé nào đấy nghe rợn tóc gáy, bỗng bốn bóng trắng, bay là là trên đầu ngọn cỏ, ào ra rồi đột ngột dừng lại giật giật, lắc lư, thụt vào lại trong vườn, tôi ném mạnh hòn đá về đám ma quỷ ấy rồi co giò phóng chạy, tôi té chúi nhũi ngay chỗ cát lún trước miếu, mặt mũi sặc sụa cát bụi, ngạt thở, tôi vừa bo, vừa lòm còm ngồi dậy chạy tiếp, bước qua được cánh cổng vào nhà, tôi mới dám dừng lại thở hổn hển, dọc cột sống như có luồng điện chạy qua giật giật, lạnh ngắt. Chui vào mùng tôi trùm chăn kín mit, trời nóng hầm hập mà tôi run cầm cập, mồ hôi đầm đìa.
Sáng hôm sau đến trường, đám bạn gái thấy tôi mặt mày hốc hác, hỏi :
-“Bộ hồi hôm gặp ma hả ?” Tôi gật đầu. Mấy nàng sợ xanh mặt, co rúm người lại. Bỗng tôi thấy cái áo dài trắng PH đang mặc có một vết bẩn rất mới, vết xây xát bám bụi , chỉ vào đấy tôi hỏi bị sao vậy.
-“Tối qua đi học về mới nhớ giặt đồ, phơi ngòai vườn rồi để quên luôn, đến sáng mới ra lấy. Chắc đứa nào nghịch ném đá vào, cũng may là chưa bị gom hết như bữa trước” .Tôi ngẫn người một lúc.
-“Có mấy cái áo dài ?“.”Bốn cái”. Tôi ngã người ra bàn, đấm ngực cười sằng sặc. Đám bạn gái há hốc nhìn, mặt mày tái ngắt chắc tưởng tôi bị quỷ ám !
Năm nay tôi đã gần 50, 2 lần xây nhà dựng cửa cho mình, nhưng trong nhà tôi chẳng có lấy một bát nhang, một cái bàn thờ ? Thỉnh thỏang tôi cũng, hoặc phải đốt nhang tôi thường lấy 3 cây: một cho trời Phật, thánh thần những vị bị tôi quấy rầy, cầu cạnh khi rơi vào thế bi, một cho ông ba, tổ tiên quá cố và một cho hồn ma bóng quế ! ?.

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

BẾN PHÀ SÔNG HÀN



Thời ấy dân Đà Nẵng gọi bọn tôi là “Bông tê sên”. Sáng sớm khi trời còn mờ mờ, sương giăng giăng từ đỉnh Sơn Trà chảy tràn mặt sông Hàn lạnh buốt. Hồi chuông, mõ công phu chùa An Hải vừa dứt, dân Đông Giang hối hả gồng gánh, chen chúc nhau lên phà. Họ mang theo mùi hăng hắc của gánh củi tươi, mùi cá tôm của biển Thọ Quang, Mân Thái, mùi rau củ tươi xanh từ những mảnh ruộng An Trung, Bắc Mỹ An. Những cô gái chân trần, đội những thúng hoa tươi từ Mỹ Khê, mặt còn ngái ngủ, quần ống thấp ống cao ước đẫm sương mai. Đèn đô thị bên tây sông chưa kịp tắt, mùi biển cùng đám bọn tôi ùa vào đánh thức , gọi một ngày mới bắt đầu.
Rồi mặt trời ló dạng, dòng sông nhuộm nắng vàng lóng lánh. Chuyến phà lúc này đầy ắp những tà áo trắng, sang sông đi học. Công chức, thợ thầy cũng lục tục đạp xe, tay xách, nách mang ( thường là cái túi đựng lon cơm ). Có lúc, phà đã rời bờ, người còn nửa trên nửa dưới, người cắp xe bên nách thót theo, đeo bám ngòai lang cang phà. Đồ đạc rơi tõm xuống sông là chuyện thường, cũng có khi người, xe cũng rớt. Thấy cảnh mà tội nghiệp “dân bông tê sên”.
Trưa, mặt trời đứng bóng, bên bờ tây hơi nóng hầm hập phả lên từ mặt đường nhựa, từ phố xá đông đúc. Đông Giang bắt đầu có gió biển thổi hiu hiu buồn ngủ. Hai chuyến phà ngang cũng lừ đừ, chậm chạp, khách vắng tanh. Xa xa có thể nghe tiếng đàn, lời ca buồn não ruột của người ăn xin, đang rảo bước trên phà. Dường như có một thỏa thuận, nếu ông P cụt và cô con gái mười hai tuổi đen nhẽm ,xin ăn trên phà chú Bảy” nhà chồ”, thì trên phà ông Mười mập sẽ là vợ chồng ông N mù. Những bài ca cũ mèm, hát đi hát lại mãi, nhưng là người trong cuộc, cùng cảnh chắc khó tránh khỏi mủi lòng…”Em hỏi anh bao giờ trở lại…mai mốt anh về.Anh trở về trên đôi nạng gỗ…”.Dòng sông trong vắt thấy cá lội, một bầy tang tình con nít, truồng như nhộng tắm sông ,vài đứa leo lên phà nhảy “bom”,”bùm” nước văng tung tóe lên boong. Vài chiếc xuồng nhỏ chèo qua lại như thoi, những vị khách lỡ chuyến phà trưa, sợ trễ công, lỡ chuyện nhảy vội xuống thuyền, tròng trành sang sông.
Chiều, chuông nhà thờ Khiết Tâm ngân nga, cây đa bên kia đường run run từng đám lá vàng rơi, gió cuộn mình kéo theo đám bụi và những chiếc lá xuống tận bến phà. Mặt sông Hàn bắt đầu gợn sóng lăn tăn, đám tàu cá rời bờ ra khơi, tiếng máy âm vang cả một khúc sông. Khói lam chiều uốn éo trên những nóc” nhà chồ” ven bờ. Phà lại chen chúc người về. Rồi màn đêm buông xuống. Đứng trên phà ngó bên tê sông đèn điện sáng choang như đám hát, ngó bên ni sông leo lắt ánh đèn như bãi tha ma. Đông Giang chi có một con đường cái chính trãi dài từ Sơn Trà đến tận Hội An. Đêm càng khuya trên sông càng vắng, nghe rõ tiếng mái chèo bì bõm của những con thuyền nhỏ sang sông, hun hút giữa đêm sâu. Những đêm mưa gíó mới thấm thiá cảnh “đêm mưa gọi đò lạnh run hai lá phổi”.