Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

PHÁO KÍCH ( Phần một TRÒ CHƠI )

PHÁO KÍCH


Nhà tôi ở Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung, lớn thứ hai ở miền Nam từ trước đến nay. ĐN ngày xưa chỉ có ba quận, quận 1 và 2 ở bờ tây sông Hàn, nằm ven quốc lộ 1, nối liền Bắc Nam. Quận Ba, nơi gia đình tôi sống nằm trên bán đảo Sơn Trà, ba mặt là sông và biển. Phía Bắc là dãy Sơn Trà, quanh năm mây trôi lang thang, có lúc kéo dài ra đến tận cửa sông Hàn như một dòng suối bạc, hai con mắt thần ( hai quả cầu màu trắng )trên đỉnh cao, hệ thống ra đa của quân đội Mỹ. Phía Nam là năm ngọn núi thấp lô nhô, gọi là Ngũ Hành Sơn hay Non Nước. xa hơn nữa là các xã vùng biển của tỉnh Quảng Nam : Hòa Hải, Điện Ngọc, Điện Nam, Cẩm Phô, Cẩm Kim…Hội An. Mặt đông của quận Ba là bao la trời biển, bãi biển ngày xưa rất hoang sơ, có nhiều rừng dương liễu, những bụi găng đầy gai và rau muống biển. Đi dọc bờ biển cả chục cây số chỉ có ba khu vực có nhà ở: một cô nhi viện ở bãi biển Mỹ Khê, khu cư xá sĩ quan Cộng Hòa trên con đường nối dài với cầu Trịnh Minh Thế và tu viện thánh Paolo ở bãi biển Bắc Mỹ An. Bên tây của quận Ba là dòng sông Hàn, một con sông khá sâu và rộng. Quận Ba nối với hai quận kia bằng một cây cầu sắt (cầu Trịnh Minh Thế ) và những chuyến đò qua lại trên sông, có một bến phà cho lọai phà gỗ lớn, phương tiện chủ yếu để qua lại, nhà tôi chỉ cách bến phà vài trăm mét.
So với hai quận kia thì quận Ba rất nghèo, dọc bờ sông là những căn nhà “chồ””lụp sụp, lọai nhà giống nhà sàn nhưng cắm chân dưới sông, vách , mái làm bằng phế liệu : tole cũ, vỏ thùng phuy, vỏ thùng thiếc, thùng đạn, giấy dầu ( giấy tráng nhựa đường )…mỗi nhà “chồ” thường có chiếc ghe ( thuyền ) nhỏ, sống bằng bán buông hàng rong, đổi nước ngọt cho các tàu chở hàng, đưa người qua lại trên sông. Sâu vào trong quận Ba chỉ có một con đường lớn, trãi dài từ cảng Tiên Sa vào tới Hòa Hải…Hội An, ba con đường nhánh, một ở dưới chân Sơn Trà, nối cảng Tiên Sa với làng cá Thọ Quang, một nhánh nối bến phà với bãi biễn Mỹ Khê và một nhánh nối cẩu TMT với khu dân cư  đàng hòang nhất thời đó: khu An Cư 1,2,3 và 4, cùng với khu cư xá sĩ quan CH. Hai trường lâu đời nhất quận Ba đều nằm ở nơi này: trường tiểu học An Hải, trường trung học Đông Giang. Dân quận Ba sống tập trung quanh ba nhánh đường ấy, phần lớn đất ruộng trồng các lọai rau và hoa, còn lại là gò cát với những bụi tre gai, những bụi găng, cây bời lời…
So với hai quận kia thì quận Ba rất giàu về quân sự. Sơn Trà có hệ thống ra đa, căn cứ trinh sát điện tử, sân bay trực thăng trên đỉnh núi. Dưới chân núi có quân cảng Tiên Sa nơi đóng quân thường trực của Hải quân Mỹ, tàu chiến thường vào đây neo đậu, có lúc tàu chiến, tàu đổ bộ ( gọi là tàu há mồm ) đi vào sông Hàn neo đậu gần đầu cầu TMT. Gần nhà tôi có tổng kho An Đồn ( hệ thống kho hậu cần lớn nhất miền Trung của Mỹ ), đối diện tổng kho là căn cứ xe tăng, thiết giáp, cũng có sân bay trực thăng ở đây.Xa hơn một tí là căn cứ lính Mỹ và kho quân tiếp vụ (các lọai thực phẩm như đường, sửa, thuốc lá, bánh kẹo, café đóng hộp ), xa xa nữa là sân bay Nước Mặn…với rất nhiều hăng ga ( hầm chứa máy bay , từ ngòai nhìn vào thấy chúng giống như những vòm cung úp xuống ).Từ nhà tôi, bước vài bước ra bờ sông ,nhìn sang bên kia thấy Lãnh Sự Quán Mỹ, một tòa nhà đồ sộ, kiên cố sơn trắng, ngay trước mặt nó luôn có một con tàu đẹp nhất sông Hàn thời đó neo đậu, con tàu nhiều tầng, nhiều ô cửa sổ, có sân bay trực thăng trên nóc tàu, sơn màu trắng tóat với chữ thập đỏ to tướng, tàu bệnh viện dã chiến ( hình như của Tây Đức )
Có lúc tôi tự hỏi: trẻ con trên thế giới thích chơi trò gì nhất. Với bọn tôi thời ấy, mà hình như tất cả trẻ con Việt Nam đều như vậy, thích nhất là trò chơi đánh giặc giả. Cả bọn chia hai phe, lợi dụng địa hình, địa vật: bụi cây, bờ cỏ, góc nhà ẩn nấp rồi bắn nhau pằng, pằng… Tôi vẫn còn nhớ vài câu thơ rất xưa :
“Con nhớ ngày xưa tuổi chín mười
Con cùng chúng bạn chơi giặc giả
Lấy cây làm súng thi nhau bắn
Đạn nổ trên môi, mẹ mĩm cười.

Những lần chiến bại con hãy khóc
Mẹ đến bên con để dỗ dành
Mẹ khẽ mắng yêu: “quân tệ nhỉ !
Không thương nhau, lại nỡ giết nhau đành

Bây giờ những ngã đường hoang phế
Quê hương đầy rẫy lửa căm thù
Ngước mặt nhìn dòng lệ nóng
Sầu nào hơn lòng mẹ thiên thu”

Vũ khí cũng rất đa dạng, đơn sơ thì có cây súng làm bằng một đọan lá chuối, nhờ mấy anh lớn rọc hết lá hai bên, cắt vào sống lá từng đọan năm bảy phân, nhưng không cho đứt hẳn, rồi bẻ lên như hộp tiếp đạn, gặp địch, đưa súng lên ngắm kỹ rồi vút mạnh, đọan bẹ đập xuống: bẹp, bẹp bẹp…”trúng rồi chết đi!”. Phức tạp hơn một tí có súng bắn đạn bời lời. Súng làm bằng đọan tre ngắn, lấy que cời than thông một lỗ tròn làm nòng, chuốt một que tre đặc, thật bóng làm chốt. Đạn là trái bời lời tròn và trơn vì mũ trái này rất nhớt, bỏ đạn vào nòng, núp kín trong lùm, thấy địch vào tầm ngắm, bắn một phát “bụp “, đụng đâu da đỏ ké, rát rạt, tương tự lọai này có súng ám sát, nòng bằng ống đồng của bút nguyên tử (bút bi), đạn là lọai cây mủ, vỏ dày, cứ cắm ống đồng vào lớp vỏ cây rối lắc nhẹ ra, sẽ có viên đạn tròn, bắn ở cự ly gần. Lựu đạn được làm bằng dây thép đai kiện hàng của quân đội, cắt từng đọan dài ngắn đủ cỡ, uốn cong thành cánh cung nhỏ, ghép lồng vào nhau nhiều lớp, ngòai cùng là thanh thép uốn thành hình số 2, rất giống cái mỏ vịt của lựu đạn thật ( lựu đạn M26, lựu đạn cà na, mãng cầu )gài vào nhau, khi ném trái lựu đạn rơi xuống đất sẽ bung ra, những mảnh thép bị uốn cong sẽ bật ra, tưng lên tứ phía bắn vào người đau điếng…Nhưng có lẽ trò chơi pháo kích là hấp dẫn nhất và cũng nguy hiểm nhất, có khi gây ra cảnh cháy nhà thật.

Trò chơi pháo kích xuất phát từ đám trẻ ở khu gia binh An Nhơn, đám vợ con lính sống trong trại, gần tổng kho An Đồn, họ có rất nhiều thuốc bồi (một lọai thuốc súng hình trụ, nhỏ cỡ đầu que diêm, dài chừng ô vuông trang vỡ học, suốt chiều dài thuốc có lỗ bé tí để thông khí ). Bọn tôi phải lấy dây thun ( dây cao su đủ màu ), bi ve, vỏ các bao thuốc lá: salem, basto, manbro, rubbi…( gấp hình tam giác) để đổi về. Thuốc bồi được bọc kín trong giấy bạc bao thuốc lá, xoắn chặt hai đầu, bỏ vào cái lon sửa bò đã mài mất nắp trên, lấy thêm vài viên đạn AR15,hay đạn súng lục,( xóm tôi thời ấy rất dễ tìm những thứ này ) dùng cái chày đâm ớt tỏi , cà thật mạnh vào cổ viên đạn, cà qua lại nhiều lần là có thể lấy đầu đạn ra, trút thuốc vào trên lớp thuốc bồi.Trò chơi đã đến hồi hấp dẫn, cả bọn lén lén cầm cái lon ra chổ thích hợp, ít người qua lại, ban đêm càng thú vị, tìm sẵn chổ nấp rồi quẹt diêm thả vào lon sửa bò, lửa bùng lên trong lon, đám thuốc bồi cháy,xé mí giấy bạc rồi bay vọt lên không trung, chúng giống như hỏa tiễn phóng vèo vèo, xịt khói đằng sau, có viên bay rất xa, có viên vừa bay ra khỏi bệ phóng ( lon sửa bò ) đã hạ độ cao, chuyển hướng bay ngoằn nghèo, rượt theo mấy ông nhóc chưa tìm được chổ nấp, cả đám reo hò, có viên bay thẳng lên nóc nhà tranh gần đó, cả đám hết hồn vừa la :“cháy ,cháy!” vừa chạy trốn. Lúc này mà bị bắt, chắc chắn nhóc nào cũng bị “nướng” cái mông như bánh tráng ( bánh đa ).Thời ấy,đâu có nhà trẻ, ít trường học, 7,8 tuổi vẫn còn quanh quẫn ở nhà với mẹ, cha chú thì đi lính CH, chỉ sợ nhất mấy ông anh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét