Một sáng chủ nhật, mùa hè năm 1992, tôi ghé về Bảy Hiền, vợ chồng chị Sáu rũ tôi đi Hốc Môn chơi. Hai anh em đi 2 xe máy chở chị và đứa cháu, chạy xe chừng nửa tiếng thì tới. Cách Bảy Hiền khỏang 6 cây số, nhưng nơi này khá yên tĩnh và thóang mát. Điểm đến là một căn nhà tranh nhỏ, nằm trong một khỏang sân rộng với những cây xòai trĩu quả, quanh đó có vài nếp nhà nhỏ nép mình dưới tán cây. Chị chủ nhà khỏang 30 tuổi vui vẻ đón chúng tôi, nhìn quanh nhà đồ đạc khá đơn sơ và vắng vẽ. Một lúc sau chị Sáu và chủ nhà đi chợ, tôi và đứa cháu hái mấy trái xòai xanh, gọt chấm muối ớt nhai ngon lành. Bỗng anh Tư chồng chị Sáu lôi trong túi xách một sãi lưới vây, anh thay quần cụt rồi rũ tôi ra kênh Đông bắt cá,tôi hăm hở đi theo. Lúc ấy từ vườn sau nhà một cô bé đen nhẽm và một bé trai chạy theo:
-“ Dượng Tư ơi cho đi với “. Cô gái khỏang 15 tuổi, gầy nhom, đen thui, áo quần cụt lủn, thằng bé đỡ hơn chút đỉnh, da rám nắng không gầy lắm. Đó là cô em chồng và con trai chị chủ nhà.
Bọn tôi đi men theo đường làng đựơc một quãng thì thấy phía trước đồng ruộng mênh mông. Mùa này đồng khô nức nẻ chỉ còn trơ gốc rạ, xa xa vài đám bắp đang thu họach. Cô gái đi trước dẫn đường ra kênh,trời nắng chang chang, nóng nực. Kênh Đông dẫn nước từ Củ Chi về,ở đây là đọan cuối không sâu lắm, nước trong xanh thấy đáy, vài đàn cá sặc tung tăng…một ít lục bình trôi lơ lửng lẫn trong đám sen. Anh Tư lội bì bõm quăng, khá nặng vì lớp chì bao vành lưới vây, lưới không bung tròn, trông khá vụng về, chắc chẳng được con cá nào.
-“Mi đứng đó mà cười, xuống đây quăng thử coi”. Tôi cũng định làm thử nhưng mặc quần bò, không xắn lên được.
-“Thôi anh Tư ơi, em mà quăng một phát thì chắc người rơi xuống nước, lưới nhảy lên bờ”. Nghe tiếng cười khúc khích sau lưng của 2 cô cháu.
Hai cha con anh Tư lội dọc bờ kênh, còn bọn tôi cũng ngồi lúp xúp hái rau má. Trời nắng càng lúc càng gay gắt, lại thêm khát nước, chẳng ai đội nón cả. Đang lom khom hái rau, bỗng tôi thấy trên đầu mát rượi, ngước nhìn lên thấy một chiếc lá sen to đùng còn ướt nước kênh Đông, cô bé đứng sau lưng tôi cầm cái lá che ,tay kia là một trái bình bát
-“ An miếng cho đỡ khát “. Trái chín vàng, trông ngon lắm. Tôi ham ăn rau sống, trái tươi nên cầm lên cạp liền mấy nhát. Ôi trời ! trái gì mà khó ăn quá. Ruột vàng, nhiều múi nhỏ như mãng cầu, một tí đắng, một tí chua và một ít ngọt, còn lại tòan là hạt, tôi vừa nhai vừa phun phèo phèo. Khó ăn nhưng cũng đỡ khát nước.
Tôi vốn rày đây, mai đó, mỗi nơi ở vài tháng rồi lại đi mướn chỗ khác, tùy theo công việc và khả năng trả tiền thuê nhà. Sài Gòn rộng lớn tôi cứ mãi lang thang, từ Bình Thạnh dời về Phú Nhuận, lên Tân Bình rồi ra Thủ Đức, lại về quận 10. Ở chưa nóng chỗ chuyển về Tân Bình rồi quay sang Gò Vấp. Gần 3 năm trời không về thăm bà con, một ngày đầu tháng 5\1995 vợ chồng chị Sáu nhắn tôi dọn về Hốc Môn , họ mua nhà mới rồi xây thêm một phòng có gác lửng để tôi ở. Nhà nằm trong khuôn viên gần 300 mét vuông, khá rộng, khỏang sân trống có hồ cá cảnh, bộ bàn ghế đá dưới gốc bàng, hàng xóm cũng thưa thớt, hình như là bà con nhau cả. Lúc đó tôi làm tuốt quận 5 đi về cũng khá xa, rồi đi học thêm nên hiếm khi có mặt nhiều ở nhà. Tối tối tôi thường ăn cơm muộn, ngồi một mình ngòai ghế đá. Hình như chỉ có trẻ con trong xóm là biết tôi nhiều nhất, vì khi rãnh rỗi tôi hay dẫn bọn trẻ đi chơi, mua quà bánh cho chúng, có lúc dẫn cả bầy ra quán ngồi ăn. Anh chị Sáu rất thương và quí tôi, 2 đứa con cũng rất khóai cậu Hùng, chắc nhờ tôi khéo tay cái gì cũng làm được, lại học giỏi biết nhiều thứ, trong nhà ngòai xóm ai có xe cộ, máy móc điện đóm hư hỏng là kêu tôi và tôi làm ngon lành nhưng chẳng bao giờ lấy tiền. Thực tình tôi không nở lấy tiền vì họ quá nghèo, chủ yếu làm nông sống nhờ cậy vào mấy đám ruộng lúa, hoa màu. Đối diện nhà chị Sáu là gia đình bác Năm M sống với vợ chồng con trai và cô gái út. Ut năm ấy khỏang 17,18 nhưng nhìn rất trẻ con, ốm, đen, có chiều cao,it cười, ít nói, sáng sáng hay dậy sớm quét dọn sân vườn. Bác Năm có mấy cây xòai quanh nhà và rải rác là những gốc mai, tết đến nở hoa rất đẹp. Ut hay qua nhà chơi với chị tôi nên cũng thân lắm, nhưng tôi thì hiếm khi trò chuyện với út vì thường mê chơi với trẻ con và 2 cháu hơn.
Một hôm tôi đi đám cưới thằng bạn ở Sa Đéc, lâu quá không về lại đây nên bạn bè, anh em gặp nhau mời ly đế, uống cho giáp mặt hết tôi cũng xỉn. Lúc về leo lên xe máy chạy một đọan thì không còn biết gì nữa. Tĩnh dậy thấy mình vẫn còn nằm ở nhà chú rể, nhìn trong gương không nhận ra mình nữa vì mặt mũi băng trắng xóa. Tôi lật đật từ giả, đón xe ra bấc Mỹ Thuận rồi về Sài Gòn. Hơn 2 giờ sáng tôi lò mò leo lên gác ngủ. Hôm sau dậy mình mẩy ê ẩm, mặt sưng húp băng kin chỉ chừa cái miệng để ăn. Cả nhà đi làm, đi học hết, tôi đói quá nhưng không dám mang cái mặt thế này ra đường, tôi đành ra ngồi ngòai ghế đá, quay mặt vào trong, chờ xem có ai đi qua nhờ mua chút gì ăn. Chừng 10 phút sau tôi nghe tiếng Ut
-“Đi nhậu cả đêm, sáng làm hết nổi phải không? “. Tôi ậm ừ trong miệng không dám quay mặt lại.
-“Có đi ra đường không? Mua dùm cái gì ăn sáng, đói bụng quá!”
-“An gì, mua cho “
-“Gì cũng được “. Tôi nghe tiếng chân đi xa dần. Lát sau Ut đem về tô hủ tíu giò, thấy mặt mày tôi như thế cô bé như muốn la làng. Tôi nhai trệu trạo mấy miếng, đến cục giò nhìn mà chịu thèm vì đau quá không há miệng nổi. Thế là mấy ngày liền nằm nhà nhờ Ut mua đồ ăn, bông băng thuốc men, anh chị ,2 cháu cũng bận làm ,bận học đâu có ở nhà. Đến ngày thứ 4 tôi gỡ hết bông băng leo lên xe đi làm. Bạn bè ở công ty nói tôi bị đụng xe, may mười mấy mũi trên mặt vẫn còn xỉn, nên đành gửi tôi lại nhà chú rễ.
Tối chủ nhật 7 ngày sau tai nạn, tôi ngồi trên bàn ở gác lửng, nhờ thằng cháu cầm cái gương để tự cắt chỉ, vừa mới đưa dao lam chưa kịp rạch, tôi nghe tiếng hét phía dưới cầu thang, nhìn xuống thấy Ut
-“Sao tự rạch mặt mình, ghê quá!”. Cậu cháu tôi cười ồ lên.
-“Nãy giờ ở dưới hả? Lên đây chơi nè “. Lần đầu tiên Ut lên đây…Chưa kịp ngồi, thấy tôi tay cầm cái kẹp, khều cọng chỉ lấp trong lớp da mặt đỏ ửng, tay cầm dao lam rạch rạch lôi ra, Ut hết hồn leo xuống chạy về nhà.
Tôi bắt đầu để ý đến Ut nhiều hơn. Gần 18 tuổi, cao khỏang 1,60 m dáng đẹp, nhưng gầy, da de, mặt mũi không sáng sủa gì lắm . Ít cười ít nói, nhưng khi nói chỉ những câu cụt lũn, hiền lành, giản dị, gần gũi. Sống đơn sơ như nông dân dù ở đây chỉ cách thành phố vài cây số, công việc làm không ổn định, chủ yếu là lao động đơn giản như vắt sổ, may công nghiệp…Ong bà ta có câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Người phương Tây cũng hay nói “ Who first come to see you in the hospital that who love you “ Tôi chưa đến nỗi nằm bệnh viện, nhưng lúc khốn đốn có Ut bên cạnh, tôi rất biết ơn em, bên em tôi tìm thấy sự bình yên, sự thanh thản như vừa trút bỏ được những áp lực của công việc, của cuộc sống vất vả một người tha phương, tạm cư như tôi. Thỉnh thỏang chị Sáu hỏi tôi
-“Bạn gái mày ở Đà Lạt sao rồi ? Chị thấy Ut thương mày lắm, mà nó cũng được ghê đó chứ !”
Nhiều người biết tôi có người yêu ở Đà Lạt mấy năm nay rồi, tôi cũng năm lần bảy lượt lên đó.Nàng cũng đã về Sài Gòn với tôi, lúc còn mướn nhà ở quận 10. Nhưng không mấy ai biết rằng tôi càng cảm thấy cô đơn hơn, vì người tôi yêu hình như quá mãi mê công việc, không dám nghỉ dù chỉ nửa ngày, để cùng tôi dạo phố núi tâm tình…Lúc thiên hạ nghĩ ngơi thì nàng lu bù công việc, vì Đà Lạt là thành phố du lịch, mà nàng lại làm dịch vụ ảnh màu, bưu phẩm lưu niệm. Gia đình nàng đã xem tôi như người nhà, ai cũng quí mến, cũng dành cho tôi sự ưu ái, thỏai mái khi tôi lên thăm…Tôi thường nói “Người ta yêu bằng trái tim nhưng sống bằng cái đầu”, cho nên giữa tình yêu và hôn nhân còn một khỏang cách, có khi rất xa cỡ từ đây lên sao Hỏa !
Một buổi chiều, hai thằng bạn đến chơi mang theo một con trăn đã làm sạch , ướp đông, tôi ra tay đầu bếp nấu cháo đậu xanh, bóp gỏi rau răm muối tiêu chanh và xào xả ớt. Ba thằng cao hứng gặp mồi ngon uống hết 6 bầu rượu. Đưa bạn về xong tôi vào nhà dọn dẹp, thấy thèm ly nước chanh tôi lửng thửng ra đường rồi chẳng nhớ gì nữa …Chiều hôm sau đi làm về, thấy anh chị và hai cháu nhìn tôi cười tủm tỉm rất lạ. Vừa ngồi xuống ăn cơm chị Sáu cười xòa
-“Kín tiếng ghê quá hả, xỉn rồi không ai đánh cũng khai”
-“Chuyện gì chị Sáu ?”. Hai cháu tôi thi nhau kể lể:
“Cậu say quá, qua nhà Ut quậy, kêu không về còn ói tùm lùm ở bển, 2 đứa con dọn muốn chết, còn phải cõng cậu về.”
-“Thiệt không chị?”
-“Mày qua đó mà coi, mày nói mày thương Ut, ai cản mày kêu xe cẩu giật sập nhà. Không cho mày vào nhà mày phá khóa cổng, rồi giật bung luôn khóa cửa, làm Ut chạy trốn mày muốn hụt hơi. Ghê quá! Yêu mãnh liệt quá.”(Lúc này Ut đã dọn qua ờ nhà chị dâu kế bên, chồng chị mất chỉ còn ba mẹ con ). Tôi đỏ mặt buông đũa đứng lên, ủa lạ quá! nào giờ mình đâu có vậy, muốn gì thì nói sợ ai mà phải mượn hơi men. Tôi qua bển định xin lỗi, thấy hai chị em loay hoay sửa cái cửa
-“Chào sếp! Tui đâu có cấm cản gì mà sếp phá nhà tui. Đó giao hai đứa bây sửa lại nhà cửa! “.Chị P ( chị dâu của Ut ) đứng lên kéo tay tôi vào chỉ cái cửa. Tôi lót tót về nhà lấy đồ nghề tháo cửa, tháo cổng đập đẻo, uốn éo sửa lại, còn 2 ổ khóa hư hết phải thay.
-“Em đi mua khóa mới về thay cho chị, hư hết rồi “
-“Nè! Chở Ut đi theo luôn, chớ để ở nhà không có cửa, ai tới rinh đi mất biết lấy gì đền cho sếp !”.Hai đứa đi mua khóa, lúc về thấy khát nước tôi hỏi Ut kiếm cái quán nào vào uống. Ut dẫn đến một quán nước khá yên tỉnh, có sân vườn rộng. Hình như dư vị chầu nhậu hôm qua còn quá nặng, người tôi cứ lâng lâng, nhìn Ut ngượng ngùng, mặt mũi đỏ ửng thấy thương qua, tôi a thần phù ôm nàng hôn chùn chụt như hôn đứa bé 3,4 tuổi…Từ ấy hai đứa tôi quấn quít nhau hơn. Hôm nào đi làm về tôi cũng ghé chỗ Ut để đón . Nghề may thường tăng ca, có khi gần 10 giờ tối mới về, hôm nào không tăng ca thì hai đứa tôi vào quán cafe sân vườn Tao Ngộ, một nơi lý tưởng cho đôi lứa , cùng nhau “tăng ca “. Càng gần nàng tôi càng ngộ ra nhiều điều. Chẳng biết đến bao giờ tôi mới yêu được nàng, vì yêu theo quan niệm của tôi quá rắc rối đối với nàng. Gia đình nàng thuộc diện “xóa đói giảm nghèo” , bản thân nàng không đẹp, chẳng thông minh, học hành đâu bao nhiêu, cũng không giỏi làm ăn buôn bán và không mấy đảm đang, đánh giá như thế cũng thật bất công vì tôi đang lấy mình làm chuẩn mực. Có một điều tôi biết chắc đó là tôi luôn biết ơn nàng, luôn xúc động vì lòng nhân hậu của nàng và luôn thấy lòng thanh thản, bình yên. Vậy thì có cần phải thật sự “yêu” không? Mà yêu làm chi, khi những cuộc tình của tôi vẫn chưa có hồi kết, khi tôi và những người yêu tôi vẫn còn miệt mài trong nỗi đau, vẫn còn chờ nhau trong nỗi nhớ niềm mong.
Em trai tôi đã lập gia đình và sắp có con đầu lòng.Một hôm chú ấy nói với tôi: -“Với em anh là thần tượng. Nhưng trong chuyện cưới vợ hãy nghe em khuyên. Đừng nghĩ ngợi quá nhiều, nếu anh đã đi được nửa đường rồi hãy quyết định luôn, nửa còn lại cứ coi như một cuộc phiêu lưu, mạo hiểm, tự thách thức chính mình.”
Thế là tôi cưới vơ, ngày 1 tháng 6 năm 1997. Mấy tháng sau, một buổi chiều bà xã và đứa cháu kêu bằng cô rủ tôi ra kênh Đông hái ngó sen
-“Kênh Đông !” Tôi trố mắt ngạc nhiên
-“Dượng Ut đi ra đó bắt cá, hái rau má một lần rồi không nhớ sao?” Tôi nhìn chằm chằm thằng cháu
-“Vậy chứ con bé đen nhẽm, ốm nhom mặc áo quần cụt lũn, tay cầm lá sen là…”
-“Em! ”.Bà xã đá vào mông tôi một phát. Tôi bồi hồi cố lục lọi trong dĩ vãng mớ ký ức rối rắm của mình…Ngày ấy tôi 30, gấp đôi tuổi nàng, chàng trai “dân nẫu” (dân miền Trung) lang bạt, chợt một lần ghé qua chơi, trời xui đất khiến sao nợ nần nàng một chíếc lá sen và trái bình bát khó nhai!
Bây giờ tôi đã có hai con, một trai một gái ,đứa nào cũng quậy tưng bừng. Có một điều cả hai đứa cứ quấn lấy ba, vì mẹ đúng là Bất Nhẫn y chang cái tên ba đặt tự lúc nào !