Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

BIỂN XƯA


BIỂN XƯA 

ĐN có bãi biển được xếp lọai, một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh, có một đặc điểm ít người biết đến , đó là ngay sát mép nước, người ta chỉ cần đào sâu hơn mét, đã có được những cái ao nước ngọt trong vắt.
Bạn tôi :  VTT nhà ở Hòa Hải, một làng chài nằm giữa ĐN và Hội An. Ngôi nhà tranh, vách lá dừa, chung quanh là một vạt rừng dương liễu, cây cao hơn hai mét. Xa xa một hàng dừa ,rồi trãi dài là biển xanh, cát vàng bao la…Ngay trên bãi cát có một ao nước ngọt, được bao bờ với những bụi dứa dại để ngăn cát và quanh đó là những luống khoai lang…nhà bạn tôi còn có một con thuyền nhỏ, chiều chiều theo con gió ra khơi chài lưới, sáng hôm sau lại nương theo gió vào bờ mang theo những thúng cá tươi…
Một hôm bọn tôi, mấy đứa ghé chơi. Đạp xe tới nơi khỏang tám giờ sáng. Dựng vội chiếc xe bên vách, lột bộ đồ ướt mồ hôi, cả đám bốn thằng chạy ào ra biển, ngay trước nhà, tha hồ mà bơi lội, lặn hụp. Tôi bơi ra thật xa bờ rồi lật ngữa, thả nổi bềnh bồng trên mặt nước, nhìn những áng mây trôi lang thang, nhìn ánh nắng qua đám bọt nước, lóng lánh như kim cương…Bơi lội chán quay vào bờ. VTT ngoắc tôi lại nhờ ôm mớ lá, cành và quả dương liễu khô. Nó vun thành đống bên gốc liễu rồi chạy tới moi trong luống khoai, ngắt mớ củ to, tròn lẵng. Đốt lửa lên, cành lá khô cháy đượm, tiếng quả liễu khô ríu rít -tiếng lửa cười. Cả bọn lùi khoai lang vào nướng, mùi thơm thoang thỏang ,hòa quyện trong khói, bay quấn quýt quanh mấy gốc liễu gìa, ngả nghiêng làm dáng. Khoai vừa chín, bạn tôi leo tót lên cây dừa, chọn mấy quả vừa già, nó vặn đứt cuống rồi ném xuống. Nó múa con dao phay mấy vòng quanh lớp vỏ, rồi khóet một lỗ rót nước vào hai cái ca sắt, lọai nửa bình tong đựng nước của lính. Nó lấy sống dao gõ bộp bộp vào lớp võ cứng, chặt đôi rồi tách ra, nạy lớp cơm dừa trắng phau, dầy cộm. Cơn đói sáng giờ được dịp nổi lên cuồng cuộn, bốc củ khoai nóng hổi, vừa thổi ,vừa lột lớp vỏ phồng rộp, cháy xém thơm phứt, cắn một miếng to lớp ruột vàng nhạt nhiều bột , khoai Trà Đõa ngon có tiếng, cạp một miếng cơm dừa nhai rau ráu, vị bùi bùi mằn mặn của bột khoai, vị ngọt ngọt, beo béo của cơm dừa dầy, chen lấn nhau chui vào bụng, có lúc quá tải, tắc đường, phải tu thêm mấy ngụm nước dừa tươi trong ca sắt…An xong, VTT vào nhà lôi ra mấy cái võng lưới đã cũ, có chỗ rách chưa kịp mạng lại, và một mớ truyện… Dân biển vùng này ngày chỉ  ăn hai bửa: khỏang mười giờ sáng và bốn giờ chiều.
Tôi nằm đong đưa trên võng, trong bóng râm của tán dương liễu, những đám hoa nắng nhảy nhót, nhuộm da bọn tôi thành một lũ tắc kè bông. Cuốn tiểu thuyết Trống Mái của Khái Hưng ( hàng cấm lúc bấy giờ ) đã vơi một nửa, hình như đến cái đọan mà chàng Vọi lên thành, gặp đám bạn cô Hiền thì mắt tôi nhíu lại ,tiếng sóng biển nhặt khoan, ầm ì, lưa thưa,  tàu dừa lao xao cất tiếng hát ru, gió liu riu, nắng xiu xiu, hồn tôi phiêu diêu…
Mặt trời đã đứng bóng, ánh nắng chói chan, bãi biễn lặng ngắt, cát vàng nóng, lung linh. Gió cùng nghĩ trưa ngừng thổi. Trong nhà nhiệt độ lúc này cỡ  39, 40  0c, nhưng trong bóng râm rừng dương liễu, của những hàng dừa vẫn thấy dễ chịu. Tôi lội xuống ao, lấy gàu múc nước, rồi chạy lên giội ào ào cho mát. Nước trong veo, giội đến đâu, đã đến đó. Thằng bạn tôi hốt mớ khô cá chìa vôi, con nào cũng to cỡ ngón chân cái, dài chừng hai gang, rãi trên cát nóng. Nắng nóng làm người ta lười biếng, tôi lật cuốn truyện định đọc tiếp, nhưng thấy tội anh Vọi quá, cả đời làm nghề, quanh bãi bể Sầm Sơn, có biết phố sá chi đâu, nên mới khổ với đám cô Hiền, chứ như bọn tôi đây thì còn lâu: Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt .Xế chiều, trời mát dần, gió lùa đám hoa lông chông chạy đuổi nhau trên cát, lăntròn. Bọn tôi lại kéo nhau lao ra biển, nhảy sóng, bơi lặn. Chừng năm giờ ,thấy VTT đứng dưới bóng dừa ngoắt ngoắt, bọn tôi chạy lên bờ. Nó xúc mớ cát vào cái chảo, bắt lên bếp rang bắp hạt, bắp chín vàng cựa mình răng rắc, nhưng không bung như bắp rang bơ. Đổ bắp ra cái rỗ tre ,sàng sàng cho hết cát, nó múc một muổng nước mắm ớt rưới lên, xèo xèo, mùi nước mắm nướng thơm nứt lỗ mũi, nước mắm bay hơi, còn đọng lại chút bọt trắng lấm tấm trên hạt bắp rang. Mớ khô cá chìa vôi rãi trên cát từ trưa, giờ đã chín từ ngòai vào trong, chỉ chờ xé ra mà lủm. Nó lại chạy đi đâu một lúc đem về chai rượu đế. Cả bọn bày tiệc dưới gốc dừa, rượu nấu từ mật mía hay khoai, sắn gì mà nồng dữ, phải pha nước dừa tươi, mà uống vào tới đâu nóng ran tới đó, mặt mũi đỏ ké, may có mồi ngon, khô cá chìa vôi cứ nắm nguyên con xé ngang, nhai ngọt ngọt, bùi bùi hơi nhẫn tí, bắp rang thơm lừng ,va vào răng vỡ vụn, réo  rắc, nước mắm nướng với ớt cay xè…thật rôm rả.
Mặt trời sắp lặn, bóng nắng đỗ dài, hàng dừa như vươn ra tận mép nước, để con sóng hòang hôn xoa bọt, gội đầu…trời tối hẳn, bạn tôi rũ cả bọn tham gia “vũ hội “ tắm biển đêm. Có chút men trong người, nghe nó rủ rê hứng thú, cả bọn lại ào ra biển. Trong bóng đêm, biển thật bao la, không ranh giới. Tiếng sóng như gầm thét dữ dội hơn, đại dương cất giữ bao điều kỳ bí, thách thức năng lực con người.  Lội ra sâu đến ngang ngực, nó bảo nhắm mắt lại, lặn xuống nước, rồi bơi và mở mắt ra.Oi trời đất ơi, trên cả tuyệt vời, tòan thân nó phát sáng xanh lòe, mỗi cánh tay vung lên, là hàng ngàn đốm sáng lân tinh vỡ òa, lập lờ trong chốc lát. Thân hình uốn éo đến đâu , ánh sáng xanh huyền ảo, bao trùm đến đấy. Cả bọn đều phát sáng như vậy, cứ như đã biến thành những chàng tiên cá.Bọn tôi háo hức, vừa làm đạo diễn, vừa làdiễn viên, kiêm luôn khán giả: nhảy múa, đấm đá, nhào lộn ,trong làn nước biển đêm đã bắt đầu se lạnh, để cảm nhận, để thưởng thức, điều kỳ diệu của những vi sinh vật biển phát quang…
Bọn tôi lúc ấy đứa nào cũng nghèo, ngày hai bửa sắn, khoai, bắp luộc, cháo  rau cũng không dễ gì có đủ. Nhưng cảm giác ung dung tự tại giữa trời đất bao la, giữa biển xanh, cát vàng vô tận, có tiếng liễu ru à ơ  sớm tối, có hàng dừa đong đưa, trong vũ điệu đón ánh trăng non, thì lúc nào cũng đầy ăm ắp.Rồi chiến tranh biên giới bùng nổ…tôi vào quân đội. Trước ngày lên đường tôi lên nhà VTT chơi, ghé qua quán nhậu ,mua đĩa cua rang muối với một cặp rượu Nàng Hương. Cả bọn quay quanh mấy gốc dưong liễu ngòai bãi biển, trăng mười sáu vàng rực vừa nhô lên tận khơi xa , biển sóng xôn xao, lòng tôi cũng ngổn ngang sóng cồn, kẻ ở người đi, biết bao giờ gặp lại. Bạn tôi mượn đâu được cây đàn guita, cất giọng trầm , rề, nó hát tiễn tôi một khúc nhạc Trịnh :
Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá, lòai sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó, nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hòang lạc gió mây miền
Trùng trùng ngòai khơi nước lên, sóng mềm…
Ngựa buông vó ,người đi chùn chân đã bao lần
Nửa đêm đó, lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối, lòai sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngõ đêm hồng, ngòai trời còn dâng nước lên mắt em…
Mồi ngon, rượu cũng có thương hiệu, vậy mà uống mới nửa, đã thấy đắng trên môi, bạn tôi bỏ chai rượu còn lại vào bịch nilon, đào lỗ bên gốc dương lấp lại, hẹn ngày tái ngộ đào lên uống tiếp…
Hơn hai mươi năm sau, vì miếng cơm manh áo, tôi mãi ra đi, có lúc quay về ,nhưng bận bịu chuyện gia đình, chẳng còn tin tức bạn xưa. Rồi một chiều xuân, ghé qua Ngũ Hành Sơn chơi, tình cờ tôi gặp lại VTT, nó đang bán đá mỹ nghệ cho một cửa hàng ở đó. Tay bắt mặt mừng, bao nhiêu kỷ niệm một thời dồn dập ùa về, tôi hối nó dọn dẹp, mua mồi, ra bãi biển trước nhà mà nhậu cho  đã một bửa. Nó nhìn tôi trân trân, ngạc nhiên, tộii nghiệp:
-“Mi ở Mỹ mới về hả ? Thiệt mi không biết chi hết rứa hả? Nhà tau ra mặt tiền đường NDT rồi, muốn xuống biển hả, leo lên xe chạy ngược hướng bắc vài ba cây số mới có chổ xuống. Người ta bán, á quên, xin lỗi, cho thuê thời hạn chín chín năm, tụi nước ngòai cắm cọc bê tông, xây hàng rào dọc biển kín mít, kéo dài tới tận cửa Đại,  Hội An,  làm vila, sân gôn, resort, casino…mi mà sớ rớ ra đó, an ninh nó tới mời đi chổ khác chơi liền. Báo đài nói om sòm một thời mà mi không nghe hả: rào đường, không cho dân chài xuống biển. Nhà tau bán chiếc ghe lâu rồi.”
Tôi cười ruồi tự an ủi mình. Chai rượu Nàng Hương chắc uống rồi hả ?
-“Ừ ! xe ủi nó uống “ 

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

VŨNG THÙNG



VŨNG THÙNG 

Dân Đà Nẵng có câu ca quen thuộc :
 Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Sóng gầm Non Nước , sương sa Vũng Thùng…
Hải Vân và Non Nước quá nổi tiếng, còn Vũng Thùng…được biết đến với tên gọi Vũng Nghèo
Vũng Thùng là một bãi bồi mênh mông ,nằm ven cưả sông Hàn, kéo dài ra đến tận chân núi Sơn Trà, nhìn sang bên kia thấy quân cảng Tiên Sa. Tôi biết Vũng Thùng có lẽ là nhờ dì S, một phụ nữ to cao, cứng cáp như đàn ông. Dì có cái cổ như hơi gãy về phía trước và cái đầu hay lắc lư, dì là mẹ của thằng bạn một thời cùng học. Nhà tôi và dì cùng chung xón nghèo AT,khu dân cư hình như phức tạp nhất quận Ba thời đó, một hôm dì nói với mẹ : ra Vũng Thùng chịu khó , chịu khổ cũng kiếm đựoc cái ăn, mà không cần vốn liếng. “Đồ nghề “ khá đơn giản. Cắt một đọan đai thép , quân đội Mỹ thường dùng để đai kiện hàng, mỗi đọan dài chừng năm mươi phân, bản ba phân, mỏng như dao . Uốn cong thành chữ U, hai đầu quấn giẻ cho êm tay. Một cái thúng ,với cái bao cát lọai nhỏ quân đội hay dùng để đắp công sự, cái bình tong đượng nước uống.
Một ngày mùa hè, từ rất sớm hai mẹ con tôi cắp thúng lên đường. Từ nhà tôi, ở gần bến phà, ra đến đó khỏang mười cây số. Đọan đầu là đường nhựa , con đường chính của quận Ba, đến ngã ba Nại Hiên Đông rẽ trái, đọan này đường đất đỏ, cát đá nham nhở, đến cột ăng ten cao nghẹo  của trạm tiếp sóng đài truyền hình là bắt đầu những bãi đất, cát pha, và nối dài ra Vũng Thùng. Sơn Trà là một bán đảo, bên sông bên biển, nên tôi chẳng lạ gì cảnh trời nước bao la, nhưng Vũng Thùng làm tôi chóang ngợp. Đi chân trần trên lớp phù sa một đỗi dài, đến một cái miếu nhỏ, mẹ con tôi ( những người khác cũng vậy)treo cái bao cát có mấy củ khoai luộc, cái bình tong đựng nước lên vách, có người thì lấy cái bao bố, lọai bao vải sợi to, có sọc xanh đựng gạo một trăm ký thời ấy,quấn quanh ngang hông từ trước ra sau, rồi thản nhiên cỡi quần để lại. Lại đi tiếp, những bãi cát phù sa lấp lánh, những bãi rong đầy ắp ốc xoắn, vô số những con cua một càng to, một càng nhỏ ,đỏ rực nghênh ngang chạy lăng xăng, nước chỉ xâm xấp mắt cá chân, đi mãi nước vẫn không sâu hơn, tiếng rào rào nho nhỏ vang xa, nước như sôi với chi chít những cái hang nhỏ và bong bóng nước …Đến một bãi cát đã rút nước mẹ con tôi “hành nghề”. Nắng đã lên, bãi cát mênh mông,rải rác đây đó hàng trăm người, phần lớn là dân địa phương : Mân Thái, Nại Hiên Đông ngồi xổm hai tay cầm cái cào tự chế, cào mạnh xuống cát ướt, mỗi lần có tiếng “sạt, sạt” ,lại thò tay móc cát, nhặt lấy những con nghêu, con suốt. Nghêu như con sò nhưng da láng màu cánh gián, có vân đẹp. Con suốt nhỏ hơn, vỏ to dầy, màu trắng xám, bán rẻ hơn nghêu nhưng nấu canh hay cháo ngọt hơn. Dì S thuộc hàng chuyên nghiệp, đồ nghề cũng giống vậy, nhưng lưỡi cào gắn vào cái gọng chữ A có dây đeo, dì cào ở vùng nước sâu ngang thắt lưng, cái gọng chữ A gánh một đầu vào vai, ở giữa có dây quàng vào người, phần lưỡi cào sâu xuống cát, dì đi giật lúi về phía sau, đầu cúi xuống chăm chú nghe , thỉnh thỏang cúi xuống nhặt ,dì chỉ lấy lọai nghêu to bán từng chục ( mười hai con )cho các mối quán nhậu.
Mặt trời lên cao,nắng , nóng. Nước cũng lên, lấn dần. Mẹ con tôi gom đồ , thúng nghêu cũng lưng lưng. Đội lên đầu ,tôi lội nước về lại chổ cái miếu. Lúc này tôi mới nhìn kỷ hơn, không biết cơ mang nào là ốc, cua, còng và đủ thứ con tôi không biết là gì bò lúc nhúc, lăng xăng bận rộn, nước càng nóng thì chúng càng bò ra nhiều, chắc trong hang nực lắm , chân tôi đau nhói vì đạp lên càng cua, đuôi ốc xoắn…Nghề này tùy thuộc vào con nước, có hôm đi rất sớm, trưa đứng bóng lại về. Có hôm xế chiều đi, tối mò mới về đến nhà. Tôi thích nhất con nước chiều vì nhìn hòang hôn trên bãi bồi tuyệt đẹp. Buổi chiều có rất nhiều bạn nghề, sản phẩm cũng vô cùng phong phú. Có những cô, cậu bé cỡ tuổi tôi, tay cầm cái que nhọn dài, vừa lội nước vừa dò, rồi đột ngột nhũi đầu xuống nước , chổng mông lên trời, ngóc lên với những con phi đen trũi. Có mấy anh choai choai, đeo kiếng lặn vừa bơi, vừa đẩy cái thau nhựa, họ bắt sò điệp, có người đeo búa đục, đẻo những con hàu bám vào vỏ tàu đắm hay ghềnh đá. Rồi những con hải sâm đen thùi lùi, tròn lẳng như củ khoai, những thau rươi lúc nhúc như trùn chì, nhưng đen và đầy chân cẳng. Có người chỉ vớt rong đầy đôi gánh kẻo kịt .Còn ốc xoắn, đầy ắp trong những bãi rong, thỉnh thỏang không có nhiều nghêu thì bắt đỡ thúng ốc mà về. Dân Đà Nẵng ai cũng đã ăn ốc nấu vài lần. Chiều tắm biển lên, vừa đói, vừa lạnh mua lon ốc hút ( người ta đong bằng lon sửa bò để bàn ), chụm đầu vô hút chụt chụt, vừa cay xè, vừa thơm gắt mùi sả, ớt, vừa béo ngậy, bùi bùi, vừa rẻ, vừa ngon không chê vào đâu được.
Có hôm tối mịt mới về, bãi bồi mênh mông chìm trong bóng đêm, xa xa le lói vài đốm đèn dầu. Nước cứ dâng lên mà đi hòai không thấy tới, những lúc ấy mới thấy cái miếu nhỏ ở đầu bãi thiêng liêng vô cùng. Nó chỉ  là cái cột bằng đá tổ ong, bên trên gắn một tấm đan bê tông, khỏang mét vuông làm bệ, mái ngói đỏ ngả màu rêu, bốn mặt gạch chừa cái cửa nhỏ để hương khói. Chẳng biết miếu thờ ai, chung quanh được quét vôi trắng, nó như  điểm hẹn của mọi người. Nghe nói ngày xưa có người mãi mê cào nghêu bắt ốc, đến lúc nước lên, đêm xuống, không tìm được lối về rồi chết đuối. Xa xa trong bóng tối, cái miếu như người ngồi xổm giữa biển nước mênh mông. Có người nói đêm đêm, họ thấy những bóng ma bu quanh miếu, khóc lóc thảm thương. Nghe cũng thấy ớn lạnh, nhưng ở đó có cái bao cát, bên trong đựng mấy củ khoai, sắn và bình tong nước của mẹ con tôi. Nếu không tìm được, làm sao đủ sức đội thúng nghêu, ốc nặng như đá lội bộ chục cây số về nhà. Ít ra ở đó còn có một chuyện tình lãng mạn. Nghe nói ngày trước, trong một lần đi biển con nước chiều, lúc về trời tối, dì S không tìm thấy cái quần đã để lại ở miếu,nước mỗi lúc một cao, đang quẫn trí thì may đâu có ông bạn nghề, nhường cái quần duy nhất của mình cho dì, rồi đeo cái bao bố che nửa phía trước, gánh bao nghêu lội hơn mười cây số giữa phố phường đông đúc về nhà.Thằng bạn học là cái kết có hậu của câu chuyện tình ấy!
Đà Nẵng ngày nay vẫn có nghêu, sò, ốc, hến , nhưng một lon ốc nấu có giá gần bằng hai ký gạo lọai thường. Người ta bơm cát lấp Vũng Thùng, xây mấy cái chúng cư cho dân nghèo, thu nhập thấp. Phần còn lại phân lô bán nền, nhìn nham nhở như những miếng vá khổng lồ. Ai đã lấp cát chôn sống ,hàng tỉ  tỉ  sinh linh dưới Vũng Thùng ?
Vũng Thùng làm tôi nhớ chuyện con sam. Con sam có mặt trên trái đất gần bốn trăm triệu năm, nhưng gần đây các nhà khoa học mới phát hiện ra điều kỳ diệu, độc nhất vô nhị ở nó. Đó là con sam có máu màu xanh, rất nhậy cảm với vi khuẩn, vi sinh.Chế phẩm từ máu sam vô cùng quí gia, nó giúp kiểm tra sự nhiễm khuẩn trong dược và thực phẩm, chính xác, nhanh chóng và rẻ. Chíp sinh học phát triễn từ máu sam dùng trong công nghệ không gian, giúp kiểm tra môi trường sống trên các con tàu vũ trụ và trạm ISS. Người ta còn hy vọng sử dụng chíp này để truy tìm dấu vết của sự sống ngòai vũ trụ. Tiếc thay, cung không đủ cầu, con sam đang dần tuyệt chủng, nuôi cấy trong môi trường nhân tạo chưa thành công mấy. Giá một lít máu sam tinh chế khỏan một trăm bốn mươi ngàn đô la Mỹ. Nếu bảo tồn được một Vũng Thùng với đa dạng sinh học như thế, con cháu chúng ta sẽ được lợi biết bao ?
Đà Nẵng cũng khéo trêu ngươi, lấp Vũng Thùng xong, xây Linh Ứng Tự ở Bãi Bụt gần đó. Ngôi chùa tuyệt đẹp, hòanh tráng với bức tượng Phật Bà Quan Am khổng lồ, tàu bè cách xa hàng chục cây số trên biển vẫn thấy được. Chôn sống hàng tỉ tỉ sinh linh , có xây thêm chục Linh Ứng Tự chắc cũng còn lâu mới siêu thóat được !