Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

BỂ DÂU (Phần cuối )




    Gặp nàng chưa được bao lâu tôi lại ra đi. Cuối năm ấy tôi vào bộ đội rồi lên đường đi K( chiến trường Campuchia ). Thời ấy đi K là ONE WAY TICKET (một đi không trở lại ! ).Tôi đi lặng lẽ, không lời từ biệt, có lẽ tôi sợ cảnh chia ly. kẻ ở người đi. Hãy để thời gian làm công việc của nó: vùi lấp đóm lửa hồng mà tôi vừa nhen nhóm, rồi nàng sẽ hiểu thôi mà, rồi cũng có người ngồi tâm sự bên nàng, dưới bóng cây trứng cá sau nhà, còn tôi biết ngày nào  về ! Những ngày dài đằng đẳng gian lao, thiếu thốn , kham khổ nơi chiến trường, những đêm thâu hun hút giữa rừng sâu thăm thẳm , nhiều lúc tôi cũng nhó nàng quay quắt…Tôi vẫn thầm cầu nguyện Chúa của nàng ( nếu ngài hiện hữu) hãy ban phúc cho nàng được mãi mãi bình yên, hạnh phúc, dù sao đi nữa tôi cũng đang thay Chúa, cầm súng chiến đấu bảo vệ những con chiên của người. 
Hơn ba năm sau tôi được ra quân, về lại quê nhà mọi thứ dường như đều thay đổi, tôi cũng đã chửng chạc, cứng cõi hơn nhiều. Bạn bè mỗi người một ngả chẳng còn ai, may sao tôi vẫn còn công việc để mà sống, quên nổi cô đơn. Chiều chiều đi làm về, tôi cũng chạy ra biển tắm và tìm lại ngôi nhà cùng hình bóng bạn xưa, nhưng nàng đã đi rồi, nơi ấy giờ mọc lên ngôi nhà của ai đó…
    Rồi một hôm,vừa tắm xong định về, tôi gặp mấy  người bạn cũ. Cả bọn kéo vào quán nhậu. Thuở ấy, ngay trên bãi biển, người ta cắm mấy cây cọc tre, dựng lên lều bạt, đặt vào đấy một mớ ghế xếp là có quán nhậu, mồi khá ngon chủ yếu là hải sản tươi sống .Gặp nhau ôn lại chuyện cũ,nâng ly rôm rả, bỗng tôi nghe một giọng nói quen thuộc: “mấy anh ơi, mua bánh giúp em nhé : bánh bèo, bánh bột lọc, bánh nậm…xứ Huế đó anh ! “ Tôi quay ngoắt người lại, sững sờ, ngay lúc ấy cô gái cũng vội vã kéo nón che mặt rồi quảy gánh,thoăn thoắt bước mau. Tôi nhận ra ngay khuôn mặt yêu dấu ngày xưa, nhưng lúc này một vết sẹo dài ,từ sống mũi chạy ra đến tận dưới tai, như một đường cày trên hình ảnh thiên thần. Tôi cũng dễ dàng nhận ra đó là vết cắt của lưỡi lê ( một lọai dao găm nhiều tác dụng của quân đội, có thể cắm vào đầu súng khi cận chiến ). Tôi đứng bật dậy định chạy theo nàng, nhưng không hiểu sao chân tôi như bị chôn vào cát lún .Hòang hôn trên bãi biển chợt như  nhuốm màu tang tóc, sóng gào thét, tung bọt trắng tràn bờ , dáng nàng liu xiu, hao gầy, vai nghiêng vì gánh nặng, mái tóc thề  ngày xưa giờ chỉ  ngắn ngang vai, nàng thóang ẩn, thóang hiện trong đám đông người tắm biển, trong bóng mờ của bụi hơi nước và trong ảo  ảnh tâm trí một thời tôi gìn giữ. Thằng bạn kéo tôi ngồi xuống, tiếng nó như thì thào trong gió chiều lồng lộng:   “Mi còn nhớ  LT  hả . Mấy năm trước  cô  ấy quen với TS, thằng bạn có ông già làm phó giám đốc  KTHS  đó, nhưng bà già TS kiên quyết cấm cản, chia tay ít lâu cô nàng vượt biên trên một tàu đánh cá, được mấy ngày tưởng lọt, ai ngờ bị cướp biển. Đàn ông thì bị bắn giết, đàn bà thì bị hãm hiếp, chống cự thì bị rạch vậy đó, rồi bị quẳng xác xuống ghe thả trôi, may gặp tàu nước ngòai cứu sống ,giao lại cho biên phòng…”. Nghe nói bây giờ nàng ở nhờ trong nhà thờ KT, gánh hàng đi bán ngay dưới gốc đa già, trước cổng nhà thờ, rồi ghé bến xe lam, chiều gánh ra biển bán…Tôi ngỡ ngàng, con đường NCT từ bến phà sông Hàn, ra đến bãi biển MK, quá đỗi quen thuộc với tôi. Gốc đa già trước cổng nhà thờ KT ngày hai buổi tôi qua lại…mà sao tôi về quê nhà hơn năm rồi không gặp nàng…nghĩ  cũng phải thôi ,tôi vốn không ăn quà vặt, nên có bao giờ tôi để ý đến những gánh hàng rong, mà làm sao tôi có thể tưởng tượng ra được nàng sẽ như thế (tôi còn nhớ ngày xưa nàng nói không quen buôn bán kia mà !). Tôi đi tìm nàng nhưng chẳng quen biết ai trong xóm đạo AN Nhơn ( gần nhà thờ KT) , hỏi cũng chẳng ai biết, dân ngọai đạo vào nhà thờ hỏi han lung tung chảng ai trả lời, hay có lẽ tại tôi vẫn quen mặc bộ quân phục cũ, nên dân xóm đạo ngại tiếp xúc. Tôi bắt đầu để ý những gánh hàng rong, những quán xá ven đường…nhưng dường như nàng  đã biến mất
    Gần năm năm sau, tôi vào  SG “ tha phương cầu thực “.Bao kỷ niệm xưa vui ít, buồn nhiều tưởng đã chôn sâu vào  dĩ  vãng. Thêm mười năm nữa qua đi ,rồi một hôm tôi lên Long Khánh-Đồng Nai thăm người bạn. Con đường đất đỏ, dài lê thê dưới bóng rừng cao su, bụi mù mịt mỗi lần có chiếc xe tải chạy qua, hai đứa ngồi ê mông trên chiếc xe Dam xoắy nòng 65 cc , chạy cả chục cây số không thấy nhà cửa., chẳng  thấy bóng người. Bạn tôi ở trong một xóm nghèo, vùng kinh tế mới. Đất ở đây đỏ nâu, nắng bụi mù mịt, mưa xuống thì dẻo quánh lại,  dính chặc vào bánh xe không đi đươc, cũng khá tốt để trồng trọt nhưng lại thiếu nước. Người ta phải đào giếng thật sâu, đặt bơm để bơm lên, ống dẫn nước rất dài, thường ở đầu máy phải tìm cây cao mà vắt lên trên, rồi thả dần xuống mới đưa nước đi xa được…Xế trưa, tôi ra cái quán lá gần đó uống càfe, trời oi bức, tôi lim dim buồn ngủ. Bỗng  tôi giật mình vì chất giọng Huế xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức, nàng  cũng nhận ra tôi, nhưng hình như xúc cảm của cả hai đã quá lâu bị kìm nén, đã nguội lạnh ,không còn vồ vập, nôn nao như xưa, chào hỏi nhau vài câu rồi nàng cáo từ, cầm mấy gói mì tôm về nhà đâu gần đó. Tôi lại biết thêm một chút ít về quãng đời đau khổ của nàng, nàng đi kinh tế mới, lấy chồng, sinh hai con gái, vợ chồng không hạnh phúc, chồng nàng vốn hay ghen lại siêng rượu chè. Dáng xưa nay đã xanh xao, gầy còm xác ve..tôi thẩn thờ nhìn nàng, xót xa…
Mùng năm tết vừa rồi,tôi ra ga ĐN để mua vé tàu vào lại SG, điện thọai tôi rung rung với một tin nhắn: LT vừa qua đời sáng nay. Nàng té xuống một hố sâu đâu đó trên LK, nước trong hố chỉ  ngang lưng , không thương tích, không ngộp nước, không hiểu sao nàng lại ra đi.Tôi nhắm mắt, ngồi xuống hàng ghế chờ ở nhà ga, lặng lẽ thật lâu. Vĩnh biệt ! Một cuộc đời bể dâu !