Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

NỬA HỒN ĐÀ LẠC (phần ba)



Thấm thóat mà đã 3 năm, nửa hồn tôi đà lạc đâu đó trên bao la đồi nương, trên mênh mông chiều sương. Tôi như người tưng tửng, có lúc làm việc như điên khùng, có lúc nằm dài trên bàn trong phòng, cứ canh chừng tiếng chuông điện thọai reo là nhỏm dậy mong chờ. Cũng may, phòng kỷ thuật có 9 người, chị trưởng phòng là phó giám đốc, còn lại 8 nam đều độc thân. Ban giám đốc chỉ quản lý tụi tôi bằng công việc, còn thời gian thì thỏai mái. Những lúc bận rộn, 5 giờ sáng bọn tôi đã lăng xăng đủ việc, trưa 1, 2 giờ mới xuống bếp ăn tập thể, 9, 10 giờ đêm mới nghĩ, rồi nằm luôn trên bàn mà ngủ không về nhà trọ. Có hôm rỗi việc, vào một lúc kiểm tra máy móc ,thiết bị thấy ổn là mỗi đứa một đường, chỉ còn lại một hai người trực. Dạo ấy tôi thường ở lại trực, không phải tôi siêng mà vì tôi trực luôn điện thọai đường dài ! Hồi đó chưa có mạng di động, điện thọai đường dài phải qua tổng đài và phải đăng ký số với cơ quan để thanh tóan tiền cước.Tôi và em thường hẹn nhau sau 10 giờ đêm, vì lúc ấy trên ĐL khách đã vắng, còn dưới này chỉ có công nhân làm việc ca 3, bảo vệ và trực kỷ thuật mà thôi. Phòng làm việc trên lầu, mở cửa sổ là thấy bàn bảo vệ, nhưng đi xuống phải vòng qua dãy máy dài đang vận hành, ban đầu nghe tiếng chuông tôi hay thò đầu qua cửa sổ nhìn xuống, nhưng sau một thời gian, thì chỉ cần nghe tiếng chị, em công nhân ca ba nhao nhao, là tôi biết mình có điện thoại !Em có chất giọng trong trẻo, ngọt ngào nên dễ thu hút sự chú ý, còn tôi- nhân viên kỷ thuật luôn được ban giám đốc ưu ái, công nhân hay nhờ vã, quan tâm, nên nhất cữ nhất động đều dễ nổi đình, nổi đám :dạo này anh chàng bị sơn nữ hớp hồn rồi ! Chị trưởng phòng tổ chức thì nhắc nhở: mấy tháng này, một nửa tiền lương bay lên ĐL theo hóa đơn điện thọai rồi, lấy gì mà ăn để nuôi dưỡng tình yêu đây em ?
Em cũng “trốn ba mẹ””xuống SG thăm tôi vài lần. Lần đầu , tôi chở em loanh quanh, rồi gửi xe vào chợ Bến Thành, chưa tới chợ, trời chợt đổ mưa, hai đứa dắt nhau chạy  trên phố đông người, trong màn hơi nước mờ ảo, em cười hạnh phúc. Con gái ĐL về SG rất dễ nhận ra bởi nước da trắng nõn (ở trễn quanh năm trùm chăn,kín áo mà !), lại còn đôi gò má như phớt lớp bụi phấn hồng. Tối hôm ấy về, anh chị chủ nhà trọ rất thương và tin tôi, nên cho em ở lại trong phòng cho vui ! 10 giờ đêm tôi lôi mấy cái mền hôi sì của thằng bạn ra, hai thằng tôi nằm phòng khách ngủ. Tôi ngủ ngon lành, còn TS ( bạn cùng phòng trọ với tôi ) cứ trăn trở, vật vã, sáng ra chị chủ nhà thắc mắc, nó nói tỉnh bơ: em không ngủ được, cứ nhắm mắt là mơ thấy MT!- Ôi cái thằng này !
Ba năm ấy tôi cũng năm lần, bảy lượt lên ĐL. Một điều thật khó tin là chưa bao giờ tôi dạo phố núi cùng em, cũng chưa đến nhà em lần nào. Em luôn bận rộn với công việc ! Mỗi lần lên tôi lại mướn một phòng ở trọ gần khu HB. ĐL làm nhà trọ cũng khá đơn giản, một dãy phòng bằng ván san sát nhau, vừa để lọt cái giường với cái tủ nhỏ xíu, trần phòng ngay sát trên đầu, cuối dãy là nhà vệ sinh, tắm rửa, nhìn giống chuồng chim bồ câu, nhưng khá ấm áp.Tôi thường lang thang một mình , ban đầu còn ngắm cảnh xem hoa, nhưng riết rồi chán và thấy cô đơn, bởi ĐL chỉ dành cho đôi lứa chứ chẳng dành cho dân đơn côiTối dạo phố ĐL cứ tưởng lầm mình đang lội xuống hồ Xuân Hương, phố xá nhấp nhô chìm trong sương mù, nhìn phía trước mờ mịt, thấp thóang ánh đèn quanh hồ, nhưng chỉ là những ảo giác ,vì hết đi xuống lũng chìm trong làn sương buốt giá, lại đi lên đồi, sau lưng là bóng tối của những cánh rừng thông, phía trước là trung tâm thành phố sáng ánh đèn của khu HB nhộn nhịp. Nghe nói có nhiều người buồn quá, hay thất tình, nhảy xuống hồ XH tự tử, có lý lắm vì hồ nằm dưới thấp, gần khu trung tâm, đêm cứ nhắm ánh đèn mà đi sẽ đến đấy, lỡ nhảy thử là đi luôn vì lạnh cóng làm sao bơi được ! Lang thang hòai cũng nản, tôi ra ngồi uống bia một mình ở quán cóc ngay thềm chợ, nhìn qua bên minilab của em. Gia đình chủ quán quen mặt tôi, cứ thấy tôi lên là mua nước đá ( dân Đl đâu uống bia có đá ), ban đầu tôi còn ngồi đàng hòang trên ghế đẩu, vừa uống, vừa kể chuyện đùa vui với mấy cô con gái chủ quán, được vài chai tôi leo lên ghế ngồi xổm, kéo cổ áo trùm kín, vừa lai rai, vừa nhìn xuống chờ cửa hiệu vắng khách tranh thủ thăm em!
Có lần tôi đã viết cho em rằng: thời gian là thử thách, mà lòng người đâu phải cánh chim bay. Xa em rồi mới thấy mình cô đơn, trống trãi biết bao. Mỗi lần nghĩ đến em là thấy nôn nao, nhớ da diết. Nhưng nhìn về tương lai xa vời vợi và đầy những khó khăn. Hơn 300 km chỉ mất 7,8 giờ chạy xe, vậy mà để bên nhau trong một mái ấm gia đình, như em và tôi đều ao ước ,có khi phải mất 7,8 năm. Không bao giờ tôi hứa điều gì, mà chưa chắc sẽ làm được ,và tôi không có quyền mong em chờ đợi. Một công việc ổn định cho em ở SG, hoặc cho tôi ở ĐL, hai ta như đôi quang gánh, ở yên thì cân bằng trong tư thế bập bênh, còn chạy về với nhau thì dễ đổ vỡ. Em không thể bỏ công việc vì sợ sẽ mất, tôi thì lên đây để nghe mãi điệp khúc :
…Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương, trên mênh mông chiều sương…



NỬA HỒN ĐÀ LẠC (phần hai )



Tôi hồi tưởng lại ba xuân trước, lúc còn ở ké Ký túc xá  ĐH Bách Khoa với mấy đứa bạn, năm hết tết tới, sinh viên lần lượt trả phòng,gói đồ về quê, nhìn tới ngó lui chỉ còn mấy đứa nghèo quá, hoặc không muốn về lãng vãng trong sân. Nghĩ tới cảnh ngồi suốt ngày trên ghế đá công viên,nhai mì gói sống, nghe pháo nổ đì đùng ( thời ấy vẫn còn đốt pháo), thấy chán. Bỗng QT thằng bạn cao khều, đen thui rũ rê
-”Tui có bà chị họ ở Đà Lạt, hồi nào tới giờ chưa gặp. Ông có muốn lên trễn ăn tết không? “ Không cần phải hỏi thêm, tôi với nó hăng hái lên đường.
Đà Lạt mộng mơ, tôi với nó chỉ nghe, thấy qua báo, đài, qua lời thiên hạ cũng đã háo hức lắm rồi. Dân SG đâu lạ gì ĐL, hơi có tiền là họ kéo cả nhà lên đó ăn tết hoặc ra Vũng Tàu ( bây giờ còn có thêm nhiều resort ở Mũi Né, hay bay ra Phú Quốc…),đây lên đó hơn ba trăm cây số, đường sá cũng dễ đi, vé xe đò cũng lo được…Tôi kéo cao cổ áo gió cho đỡ lạnh, hai bên cửa  xe đồi núi nhấp nhô, những rừng thông vi vu, ẩn hiện vài ngôi biệt thự cổ kính. Lần đầu đến ĐL, tôi như bị hút hồn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, của không khí trong lành. Nhà bà con của QT ở đường TTH, hai vợ chồng công nhân viên, hai con, một chị gái học cấp ba, cậu em trai nhỏ hơn 4 tuổi, một gia đình lý tưởng. Hai thằng tui như khách quý, có thêm cái máy ảnh và chiếc xe máy, thế là tha hồ khám phá.Sáng sớm, quen thói SG mới 5giờ hai thằng bật dậy, vừa tợp ngụm nước súc miệng đã nhăn mặt: chà lạnh gớm !Ông anh QT lục trong tủ lấy hai cái áo giả da dầy cộm : “mặc vào đi, cóng bây giờ”.Hai thằng mở cửa dắt xe lên đường…mới chạy đâu được chút xíu, tay chân lạnh cóng, không cầm nổi tay lái đành dắt bộ cho ấm. ĐL sáng sớm còn dầy sương, sương mù rong chơi trên những con phố nhấp nhô, thấp thóang những ngôi nhà gỗ, thấp, mái ngói cao vút, phòng ngủ thường bố trí ngay bên mái nghiêng ấy, rất ấm cúng, xinh xắn, nhìn ra hai ô cửa nhỏ ở đầu hồi nhà, xa xa là những đồi thông còn say ngủ. Giờ này dân ĐL còn quấn chăn, chỉ có đám du lịch như tụi tôi mới ra đường.
Ghé vào quán café ven đường, hai thằng tui ngồi co rúm . Những bóng người ẩn hiện trong sương mù, theo những nẻo đường nhấp nhô đánh võng. Cũng dễ dàng phân biệt, dân ĐL không cao lắm, đa số trông lam lũ trên những cánh đồng rau, củ, quả hay các vườn hoa,với những chiếc xe Mink, Simson chất đầy rau quả lấp cả người lái , chạy lăng xăng ,phần lớn phái nữ mặc áo len đan dầy, với nữ sinh màu áo len còn là đồng phục, nam thường khóat áo giả da dầy cộm, đeo găng tay da khi đi xe máy.Còn lại, hình như là đông hơn, khách du lịch từ khắp nơi, nhiều nhất là từ SG, đi đâu cũng đụng du khách, nhà hàng, khách sạn, quán ăn…du khách tán gẫu với khách du lịch.
Nắng lên ĐL rực rỡ, bốn phương, tám hướng đều là hoa và hoa, tầng tầng lớp lớp hoa, thành phố vạn hoa thật không hổ danh, xa hơn là màu xanh của những hồ nước, những đồi thông…Hai thằng tui “nhổ neo”.Suốt ngày hai thằng lang thang từ nhà xuống khu Hòa Bình, chạy ven hồ Xuân Hương, vòng lên vườn hoa thành phố, ghé lại Viện Nghiên cứu Hạt nhân (nơi này có rất nhiều giống phong lan tuyệt đẹp), rồi đi xa hơn qua thung lũng Tình Yêu, dinh Bảo Đại, hồ Than Thở. ĐL không có đèn xanh, đèn đỏ, không có CSGT nên tha hồ chạy xe. Hôm sau hai thằng thăm thác Cam Ly, thác Prent, Thác Datanla…hai cuộn film thay nhau hết sạch mà còn quá nhiều tuyệt tác chưa ghi lại được.
Hôm sau, hai thằng tui đem xuống một Minilab ở khu HB để rửa film, nhưng không tráng ra hình vì chưa có tiền. Chiều ghé lại lấy , một cô gái dễ thương, vồn vã chào hỏi rồi đưa ra một bì thư dầy cộm. Tôi hết hồn mở ra, 72 tấm hình cùng 2 cuộn film. Tôi xin lại biên nhận để kiểm tra. Lúc này rất đông khách, nhân viên ai cũng bận, hai thằng tui nhìn nhau lo lắng, rõ ràng biên nhận ghi rõ chỉ rửa film, đâu có bao nhiêu tiền, nhưng trên phong bì lại ghi số tiền khá lớn (so với vốn liếng của hai thằng lúc ấy) vì có cả 72 tấm ảnh.Tôi gõ gõ lên quầy kiếng, cô gái quay lại, tôi đưa biên nhận và nói chỉ lấy film thôi mà. Lúc này mới thấy cô bé  xinh làm sao, khuôn mặt tròn dễ thương,tóc búi gọn,mắt to tròn đen lấy, mũi cao, miệng hơi mím, mặc áo sơmi trắng gấp lên trông khỏe khoắn, tay vẫn cầm bút, mặt hơi nghiêng lên nhìn tôi vẻ ngạc nhiên, giọng cô bé rất hay, cứ như diễn viên lồng tiếng trong film hoạt hình thiếu nhi:
-Cho em xem lại đi, chết rồi ! Sorry, sorry ! em lộn mất rồi, thôi lấy dùm em đi !
-Sorry, sorry chi nữa em ! giữ lại đi. Tụi anh đâu có đủ tiền nên mới rửa film thôi.
Cô bé lấy xấp hình ra xem.
-72 tấm hình rất đẹp, không hư tấm nào. Anh chụp ảnh rất có nét chuyên nghiệp, lấy dùm em đi,bỏ uổng lắm!
-Bọn anh cũng thấy tiếc nhưng không có tiền, mà đâu phải lỗi tại tụi anh !
-Em sorry, sorry rồi mà. Ông chủ mà biết chắc đuổi em luôn. Em xin tiền ba mẹ cũng được, nhưng biết làm gì với chừng đó hình, chờ em chút nhé ! khách tới đông quá nè !
Hai thằng tui lui ra ngòai hội ý, thấy cũng tội nghiệp cô bé nhưng…móc hết túi áo, túi quần hai đứa ra đếm, vẫn còn thừa một ít, nhưng giờ đến tết lấy gì xài đây trời, còn phải mua vé về SG nữa mới chết chứ. QT đưa tôi tiền :-“Ông vô đó năn nỉ mà không được thì lấy đại cho rồi , về ăn ké anh chị mấy ngày têt, xin luôn 2 vé xe chứ biết sao !”
Tôi bước vào quầy, khách đông quá. Tôi chống cằm, tì tay lên góc kiếng, tranh thủ ngắm em. Cô bé quay lại
-Anh lấy dùm em nhé, thông cảm mà !
-Anh thì thông cảm cho em được rồi đó. Nhưng ngày tết, không biết có ai thông cảm cho tụi anh ăn,ở ké mấy ngày.
-Anh nói thiệt không đó !
-Không thiệt thì nãy giờ anh đứng đây chi cho mỏi cẳng !
-Ủa, vậy mà em tưởng nãy giờ anh đứng nhìn em ! ( chảnh giữ há ! ). Anh cứ ghé nhà em cũng được, ba mẹ em ở đường NĐC.
-Nhưng anh không biết em là ai, thì làm sao tới thăm ba mẹ em được ! Cô bé lấy miếng giấy nhỏ ghi mấy dòng đưa tôi. Tôi vẫy tay chào ra về. Vừa bước ra cửa, thằng bạn chộp lấy tờ giấy
-Hẹn hò gì đây . Em: ĐNMT, ngày tháng năm sinh, nơi làm việc Minilab,số…khu HB-ĐL. NHà ở…đường NĐC.
-Tờ giấy viết gì mầy ?chưa đọc mầy đã giật tay trên rồi. Tôi đọc rồi gấp lại bỏ vào túi áo. Bỗng tôi thấy có gì đó ngờ ngợ. Tôi lại lấy ra xem , đó là nữa mảnh thiệp sinh nhật, đọc dòng ngày tháng năm sinh, tôi lật đồng hồ lên nhìn.
-Trời ! đúng là nghèo gặp eo. Quen chi đúng ngày sinh nhật, hôm nay em, MT tròn 19 tuổi!
Tôi nhìn dáo dác, tìm một  cửa hàng quà lưu niệm, mua tấm thiệp sinh nhật, ghi vội mấy dòng rồi quay lại, đặt lên mặt quày kiếng, gõ gõ , cô bé tới
-Chúc em sinh nhật vui vẽ, nếu có duyên thì mai mốt mình gặp lại em nhé !

Về SG được mấy tháng, tôi vào làm việc trong phòng kỷ thuật của một xí nghiệp nhựa, hai ba đứa cùng ra thuê phòng trọ ở quận 10, sống chung với chủ nhà. Duyên nợ xui khiến sao xí nghiệp lại tổ chức đi tham quan ĐL, bọn tôi ở khách sạn Hải Sơn, khu HB, nhìn xéo qua bên kia là Minilab nơi em làm việc. Mấy ngày ở ĐL, thiên hạ nói tui tự nhiên đổi tính, lúc nào cũng sung, ai nhờ mua film, rửa ảnh là dọt liền, tới đâu cũng khen đẹp , cũng hối mọi người chụp hình…tối đến, tôi len lén bỏ đòan tranh thủ thăm em. Đêm nào cũng vậy, sau 10 giờ khách vắng, tôi với em mới có dịp chuyện trò tâm sự. Đêm cuối em trực, tôi ở lại rất khuya, khép hờ cánh cửa tha hồ tâm sự, bỗng một ông sồn sồn, mặt đỏ gay kéo cửa bước vào, em có vẽ sợ hãi, tôi đứng dậy định sực ổng mấy câu : người đâu mà mất lịch sự, đã đóng cửa còn vào không thèm hỏi ai. Em bấm tôi, run run, rồi nhanh tay lấy một bì thư lớn đựng hình, ghi mấy dòng lên mãnh giấy nhỏ kẹp vào, đưa tôi”Của anh nè, cầm về, trễ rồi !”.Tôi hậm hực bước ra. Tờ giấy ghi 4 giờ sáng ! Cả đêm không ngủ được chờ sáng chạy qua. Vừa gõ cửa đã thấy em chờ, kéo nhẹ cửa bước vào, em ôm tôi cười nắc nẻ, hồi hôm ông chủ đi kiểm tra đó, xém chết chùm !

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

QUÂN Y NHƯ TỪ MẪU


Vừa tốt nghiệp khóa cơ khí ôtô, tôi bị tổng động viên, vào bộ đội rồi sang chiến trường K.Cứ ngỡ mình sẽ sửa xe quân sự, ai dè, xe thì không có mà pháo thì nhiều, tôi phải vác đạn pháo thường xuyên. Một hôm vác thùng đạn pháo 105, lên tới sàn kho áp mái, tôi bị lên cơn hen phế quản ngã nhào, hai trái pháo rơi cắm xuống , may mà có người đỡ kịp, nếu không thì toi ( lọai pháo này đã gắn sẵn đầu nổ ). Thủ trưởng đơn vị tối giao ban ,gọi tôi lên làm việc :
-Lý lịch cơ quan đồng chí ghi rõ: tốt nghiệp lọai xuất sắc. Đơn vị không có xe, nhưng cần người để đào tạo quân y về phụ trách . Là một đơn vị độc lập, nên phụ trách quân y cần một người xuất sắc để chăm lo sinh mạng gần 100 cán bộ,chiến sĩ. Ban chỉ huy tin tưởng giao cho đồng chí nhiệm vụ này.
Thế là tôi lên đường, từ sửa xe sang sửa người !
Sáng sớm hôm sau tôi khóat ba lô, lội bộ hơn 30 km về viện quân y 21 ( nằm ở thị xã Stưngt’reng-Campuchia) nhập môn.Hình như tôi có duyên với chuyện học hành, hễ nói đến học là dẫn đầu, còn hành thì số một. Để chứng minh tôi có thể tự tiêm vào bắp đùi mình, cả tiểu đội không ai dám đưa tay cho thiên hạ thực tập tiêm ven ( tiêm vào tĩnh mạch ) nhưng tôi thì vô tư mời các đồng chí ! Tay tôi như dân chích xì ke,đầy vết kim dọc theo mạch máu. Cuối khóa bọn tôi đi thực tập .  Ca đầu tiên tôi chăm sóc là một ca mõm cụt ( chân bị cắt cụt ). Đồng chí thương binh thuộc đơn vị E280 công binh bị trúng mìn, lúc đưa vào viện một phần chân dưới đã giập nát, có hiện tượng họai tử, buộc phải cắt bỏ. Phòng phẩu là một căn phòng vách đất trộn rơm, chung quanh căng bạt nilon trong suốt cho đủ sáng , không đủ thuốc gây mê, chỉ có một ít Novocain gây tê tại chổ ,rồi mổ sống, lúc bác sĩ quân y cưa đọạn xương bằng cái cưa tay, kéo qua kéo lại rẹt…rẹt nghe ghê !Anh thương binh như chết đi, sống lại nhiều lần…Nhưng chưa hết, chân anh bị họai thư sinh hơi, nhiễm trùng mủ xanh. Thịt cứ phù lên ấn vào nghe lốp bốp, phần lộ ra nhũn xanh lét. Đưa anh về giường chăm sóc tôi mới biết anh nhập ngũ trước tôi 2 năm, dân Quế Sơn, Quảng Nam . Vậy là gặp đồng hương ! Phần mõm cụt phải ngâm vào bô dung dịch thuốc tím, cứ 30 phút lại kéo chân ra kiểm tra, đề phòng bục mạch máu thứ phát, 4 đến 6 giờ lại kéo lên tháo băng, cắt lọc phần thịt đã nhũn. Cái kéo mỗi lần chạm đến phần thịt còn đỏ, anh thương binh lại đau đớn , quằn quại. Tôi cố làm thật nhẹ, nhanh ,nhưng không cầm được nước mắt, tôi cứ luôn miệng xin lỗi, đôi mắt thâm quầng, trên khuôn mặt gầy gò ,sạm đen, môi khô vì sốt nhiễm trùng, nhưng vẫn sáng, anh thương binh nhìn tôi thương cảm
-Đồng hương cứ làm đi, tôi ráng chịu được mà !
Mấy lần sau tôi xin được ít thuốc rê ,với lá chuối khô, tôi cuốn cho anh điếu thuốc rồi mới làm, cho anh bớt khổ…
Ca thứ nhì là một thiếu úy, D409 đặc công, bị sốt rét đái huyết cầu tố ( sốt rét xuất huyết ).Cứ 40 bệnh binh lọai này, thì may lắm có một người sống sót. Bao nhiêu máu truyền vào, thì bấy nhiêu chảy ra theo nước tiểu. Cứ truyền máu và dịch liên tục, rồi lại đem cái bô nước tiểu đỏ màu máu đi đổ. Tối hôm chuyển về đến viện, bác sĩ viện trưởng xuống trực tiếp điều trị, cầm theo một danh sách
-Đồng chí Dung đâu, đến lượt nhé!
Tôi cứ nghĩ chắc ai đó sẽ trực với tôi, nhưng lại là một chuyện khác: người sẽ trực tiếp cho máu để truyền sắp tới là một cô ytá. Số nữ quân nhân ở chiến trường K rất ít, khỏang 20 người ở bộ tư lệnh tiền phương gồm hậu cần, thông tin D575 và viện 21.( Cuối năm 1982 tất cả nữ đều rút về nước). Y tá D người Thăng Bình, thấp,trắng, mắt một mí tính vui tươi, khuôn mặt bầu bĩnh lúc nào cũng cười, làm thương bệnh binh như thêm thuốc bổ mau bình phục. D cho 350cc máu nhóm A, thường thì chỉ lấy 250cc, nhưng với điều kiện chiến trường 350cc là phổ biến, có khi tuần lấy 2 lần nếu không có người cùng nhóm máu.Hình như có phép nhiệm màu , sau lần tiếp máu ấy nước tiểu trong dần, nghĩa là huyết cầu tố không còn bị phá hủy nữa, khả năng sống sót sẽ rất cao…
Rồi một ngày đẹp trời, nắng nhuộm hồng không gian còn mát rượi, nghe tiếng phành phạch của máy bay trực thăng, bọn tôi phụ gom balô, dìu, cõng mấy anh thương ,bệnh binh chờ sẵn, chiếc UH-1A xuất hiện, cánh quạt tạt gió làm tung bụi mịt mù, đám lau sậy bên bãi ngã rạp, hai càng máy bay vừa chạm đất cũng là lúc bọn tôi nheo mắt, khom người đưa anh em lên sàn máy bay, chuyển về tuyến sau. Ca mõm cụt đã tạm ổn, nhiễm trùng mũ xanh đã kiểm sóat được, anh ấy sẽ được về VN cắt thêm một đọan xương nữa, sau đó túm phần da lành lặn ,bọc lấy mõm cụt may lại. Da thịt hầu như không phát triễn nhiều, nhưng xương vẫn cứ dài ra và có khi lại cắt tiếp…Ca sốt rét xuất huyết cũng vừa thóat hiểm, bệnh binh đã tỉnh táo nên được chuyển vùng ngay, vì nếu để lại và tái nhiễm thi khó giữ được tính mạng…
Phụ trách quân y không chỉ làm công tác chuyên môn, điều trị, theo dõi nhiệt, mạch, huyết áp, thuốc men dịch truyền, có khi còn cho máu, mà còn là một từ mẫu. Chiều chiều, anh quân y tập trung đám lính bị lang ben ,hắc lào ,cỡi quần xắn áo xức cồn BSI từng chổ một, tối tối lính vào giường ,quân y dạo qua tém mùng, kéo chăn từng người một. Lúc giao mùa phải tự chế dung dịch tỏi đến tận giường nhỏ vào mũi, hay nhét bông gòn có nước tỏi từng người để phòng cảm mạo…Lúc ốm đau phải báo nhà bếp nấu cháo, rồi đem lên bón từng thìa, có lúc lính quá đau đớn, mõi mệt hắt cả cháo nóng làm bỏng người quân y…Nhưng hình như, không có người lính chiến trường nào, mà không yêu quí người phụ trách quân y của mình! Quân y như từ mẫu mà.
Ngày nay mấy vị y, bác sĩ thường lên báo vì quá xấu xa. Có mấy vị ( hình như ở BV ĐHYD )cắm đầu, cắm cổ kê toa thuốc đặc trị ( viêm gan siêu vi ) để kiếm tiền cò. Một tháng khéo tay rút máu mũ bệnh nhân mà đổi được bạc tỷ mua nhà ( tù).có bác cắt  nguyên cặp thận bệnh nhân, hay thẻo trước buồng trứng không đau, thoát vị bẹn mà hớt bàng quang, rồi cháu bé ấy sẽ sống ra sao suốt quãng đời dài còn lại ?Có ông nhậu nhà, mà xỉn trong phòng trực cấp cứu ,để mẹ con sản phụ chết oan…Chả trách bà con bây giờ quen gọi y, bác như dì dượng ghẻ !