Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

PHÁO KÍCH ( Phần hai: GIẢI MÃ)

GIẢI MÃ

Ký ức tuổi thơ của tôi hình như chỉ có chiến tranh, dù cuộc chiến thật sự xãy ra ở đâu đó xa lắc, xa lơ. Năm tôi 6 tuổi,1968. lần đầu tiên tôi biết thế nào là pháo kích thật sự. Thuở ấy, đêm giao thừa không ai ngủ được. Trời se lạnh, đêm ba mươi tối đen như mực, bước ra ngõ nhìn đâu cũng tối om, gần đến giờ giao thừa, nhà nhà bắt đầu đem bàn nhang đèn, xôi chè ra sân, treo lên cành cây cao một dây pháo, có nhà chơi luôn vài dây, dài cả chục thước, pháo Nam Ô nổi tiếng xưa nay.Những ngọn đèn cầy (nến ), bắt đầu được đốt lên, ánh sánh lung linh, lắt lư, làng xóm ấm cúng, trang nghiêm chào đón năm mới. Chú S trước nhà tôi, cầm ra một mớ pháo hiệu, cạy cái đầu bịt chì vào hàng rào kẽm gai để tạo cái lỗ nhỏ, chú lấy mấy viên đạn lửa cạy đầu, cắm dọc hàng rào, rồi lấy thêm mấy viên AR15, rút đầu đạn, rắc thuốc súng lên trên. Xong đâu đấy chú cầm khẩu súng côn chĩa lên trời, anh D khom khom, cầm que nhang chờ hiệu lệnh. Đúng giờ giao thừa, “”đùng ,đùng…”khẩu côn nhả đạn, anh D chích que nhang vào mấy viên đạn , lửa phụt lên , sáng lóe, rồi mấy quả pháo hiệu bục cháy phun khói màu xanh, đỏ, vàng, cam…rực rỡ một góc xóm, trẻ con reo hò dù đã bị cấm, bị kiêng cữ đầu năm, đầu làng cuối xóm phụ họa theo, châm pháo. “Tạch, tạch,tạch…đùng đùng…”tiếng nổ vang trời, pháo chen chúc nhau cháy ,rơi xuống đất, nổ đùng, tung lên trời xác pháo đỏ âu, con chó mực nhà tôi, chui xuống gầm giường rên hư hử.Nhìn lên bầu trời, đạn lửa xẹt qua , xẹt lại dệt lưới. Tiếng nổ mỗi lúc một nhiều hơn, dồn dập hơn và lạ tai hơn, nghe có cả tiếng rít xé gió. Dường như linh tính mách bảo, mẹ tôi vội thổi mấy ngọn đèn cầy, rồi hối mấy con khiêng bàn vào nhà, tắt hết đèn. Tiếng rít xé tai “”chiu,chiu…òanh, oành…”. ”Pháo kích rồi bây ơi, chui xuống hầm mau ! “
Hồi ấy nhà tôi vẫn còn là nhà tranh, một gian dài, phía dưới che thêm ra làm bếp, hầm tránh pháo kích làm nửa chìm, nửa nổi, phần nổi quay ra ngòai hiền, bên trên chất một lớp dầy bao cát công sự, miệng hầm ngay trong nhà, gần bếp, mùi xôi, chè đậu xanh thơm phức trên chiếc bàn cúng mới đem vào, tỏa hương , nhưng chẳng ai còn hồn vía nghĩ đến chuyện ăn nữa. Tiếng đạn pháo gầm rú: “Ầm,ầm…chiu, chiu, ầm ầm…”đất trời rung chuyển, nhà cửa lắc lư, mấy cây cột vặn mình răng rắc, bộ lư, chân đèn bằng đồng trên mép bàn thờ, lảo đảo rồi rơi xuống lõang chỏang, ly chén va vào nhau rơi vỡ, tạo nên thứ âm thanh hổn độn, kinh hòang…Con chó mực hết rên hư hử, bỗng nó gầm gừ, bồn chồn, xa xa nghe tiềng chân chạy rầm rập… mẹ tôi thì thào: ”Việt Cộng về bây ơi ! “. Đêm ba mươi tĩnh mịch, tối om đã vĩnh viễn ra đi, đã bị xé tọat trong tiếng pháo, tiếng đạn ,hỏa tiễn  vang rền, đã bùng cháy trong ánh chớp của pháo, của các lọai đạn, của những đám lửa xa xa, trận pháo kích và tấn công kéo dài đến gần sáng…
Mồng một tết làng xóm xôn xao, nhìn nhau. Bước ra đường nhìn dọc , nhìn xuôi chỉ có vài cái nhà sụp mái hiên, xa xa vẫn còn những đám cháy, tiếng nổ vẫn ì ầm, thỉnh thỏang vài tiếng “Ầm, ầm “”rung chuyển đất trời, bà con lào xào bàn tán: hồi hôm Việt Cộng pháo kích sân bay, đánh kho đạn An Đồn, kho đạn vẫn còn đang cháy. Trên trời mấy chiếc trực thăng quầng đảo, có mấy chiếc trực thăng hai đầu, đeo tòn ten dưới bụng cái túi lớn chứa nước chữa cháy, có chiếc phun bọt trắng xóa vào đám cháy, có chiếc treo lơ lửng ngay trên nóc nhà tôi, làm mấy nhánh xòai gãy răng rắc, rơi ào ào xuống sân. Bước xuống bờ sông , nhìn qua kia thấy Lãnh Sự Quán Mỹ vẫn còn nguyên vẹn, nhưng chiếc tàu bệnh viện dã chiến, loang những vệt máu chảy dài từ trên sân đáp trực thăng xuống hai bên thành tàu, màu đỏ của máu lem luốc bên thành tàu trắng tóat, tạo cảm giác ghê ghê. Bước ra ngã năm, nơi giao nhau của con đường dọc Ngô Quyền, nhánh ngang Nguyễn Công Trứ và một ngã rẽ vào tổng kho An Đồn , gần đấy là chùa An Hải, nơi mẹ con tôi hay đi lễ chùa đầu năm, nay ồn ào với lổn ngỗn những chiếc thiết giáp (M113 ), xa xa vài chiếc xe tăng (M41 )gầm gừ, nghiến bánh xích xuống đường , khói đen vẫn còn bốc lên trời, kèm theo tiếng nổ và những vệt lửa xẹt lên của đạn pháo trong kho đang cháy.Xa xa bên kia sông là khói đen mù mịt của đám cháy ở sân bay Đà Nẵng.Năm ấy mẹ con tôi không về quê nội ở Điện Ngọc được vì lính Mỹ đã chặn ngang đường ở sân bay Nước Mặn.
Ra giêng, mẹ tôi bệnh nặng nằm liệt giường, thầy Trí, một lương y quen biết, nhà ở dưới Mân Thái cứ phải chạy lên chạy xuống bắt mạch bốc thuốc, ( thuốc Bắc, thuốc Nam ) cho mẹ, có lúc vài tháng sau mới trả tiền. Mẹ nằm ở chái nhà , giáp với nhà ông ba M, giữa hai nhà có một khỏang trống hẹp, bọn tôi hay bày trò chơi ở đó, hôm ấy, bày trò nấu ăn, hốt nhúm gạo bỏ vào lon bơ, đổ nước, đặt lên mấy cục đá làm bếp, tôi lấy miếng giấy cuộn lại vào nhà đốt lửa đem ra, bếp thì nhỏ, miếng giấy cháy bung ra cả bọn quýnh quáng, vách nhà tôi bằng tranh còn vách bên kia bằng thùng thiếc, nên lửa bắt cháy , cả bọn nhóc hốt hỏang, vừa khóc vừa la hét, lấy bìa cát tông quạt cho tắt, lửa bùng mạnh cháy nhà tôi, hàng xóm chạy qua, người lôi đám nhóc chạy ra khỏi hẽm hẹp, người xúm vào đạp cửa, khiêng mẹ tôi chạy ra ngòai, người bắt thang leo lên nóc giật tranh cháy xuống, múc nước chuyền nhau dập lửa, may mà nhà tôi có sẵn giếng nước, hàng xóm lẹ tay, nên chỉ cháy một góc nhà, hơn tháng sau, mẹ khỏe lại xây nhà mới. Dân Đ.N xây nhà không dùng gạch ống, gạch thẻ như bây giờ, mà xây nhà bằng ất lô, lọai gạch làm bằng cát hạt lớn trộn xi măng, đúc thành từng viên có kích thước 10x20x30 cm, lọai này tuy nặng nề nhưng xây nhà rất chắc chắn, nếu không bị sâp thì tường xây có thể chịu được tât cả các lọai mảnh đạn. pháo…Ngày ấy xóm tôi rất nghèo, suốt con đường mòn chạy song song với sông Hàn, từ bến phà lên đến chân cầu T.M.T, chẳng có mấy nhà  xây. Cách nhà tôi một căn là  ông bà Thông T, với nhà ngói to, cửa kiếng , đi lên xa nữa mới có căn nhà lầu của cô Bảy T. Cô Bảy này khá đặt biệt, cô đẹp và sang, giàu nhất xóm, nghe đồn cô có những mối quan hệ phức tạp với các thương gia, với đám sĩ quan C.H cao cấp và các giới chức chính quyền C.H ( sau này tôi mới có điều kiện tìm hiểu để “giải mã hiện tượng cô Bảy”).
Nhà tôi đang xây vào mùa hè, tối mấy anh em chia nhau ngủ nhờ hàng xóm, tôi và em út ngủ nhờ nhà ông bà Thông T, đang đêm ngon giấc, bỗng “đùng, đùng..ầm,ầm…chíu chíu, rào rào”. Trời nóng ,anh em tôi cỡi trần ngủ trên tấm phản lớn ( một lọai giường đơn giản làm bằng gỗ dày và lớn ), bỗng đau nhói, hốt hỏang chồm dậy, khắp người đầy mảnh vụn, ngói trên nóc nhà bị sức ép của pháo vỡ ào ạt, rơi xuống như mưa, kiếng cửa sổ cũng vỡ toang, lỏang chỏang tung tóe trên nền gạch bông, hai anh em vội chui xuống nấp dưới tấm phản, rồi những tiếng nổ dồn dập kinh hoàng, nhà cửa, đất trời rung chuyển. Tiếng ông bà T.T:”Tụi bay mô rồi (đâu rồi), có răng không?(có bị gì không ). V.C pháo kích đó” . Lần này chỉ có tiếng nổ của  đạn pháo lớn chứ không nghe tiếng súng nhỏ. Bầu trời đêm sáng lòe với những ánh chớp giật liên hồi, nhìn qua lỗ thủng trên mái nhà thấy cả ánh sáng của hỏa châu ( pháo sáng ), tôi định dắt em chạy về nhà xem mẹ có bị gì không, nhưng ông bà giữ lại đưa xuống hầm trú ẩn. Trận pháo kích chỉ kéo dài hơn tiếng đồng hồ, rồi tiếng máy bay trực thăng, máy bay phản lực  u,u…gầm rú, trời rực sáng với ánh hỏa châu. Hồi đó thấy hỏa châu là tụi tôi hay nhìn theo, có hai lọai: thứ bắn từ ống phóng cầm tay mau tàn vì cái dù giữ pháo nhỏ xíu, nhưng lọai hỏa châu bắn từ máy bay, là thứ bọn trẻ con rất mê, nó đong đưa sáng rực trên bầu trời, cái dù to là nỗi cám dỗ, cuốn hút đám trẻ chạy theo giành giật, có khi bỏng cả người.Đêm ấy cứ bập bùng ánh sáng. Tờ mờ, tôi dắt em chạy về, bên kia nhà chú S hai anh cũng chạy về, mẹ trong nhà hốt hỏang, dáo dát ra đường tìm con, may quá cả nhà không sao, chỉ có bức tường mới xây, chưa tô bị ngã lật, đè lên hấm trú ẩn.
Xóm làng lại xôn xao, bàn tán : V.C pháo kích sân bay, đốt cháy kho xăng dầu Essco. Tôi lăng xăng chạy xuống bờ sông, nhìn quanh quất, kia rồi, nhìn xéo hướng tây nam, gần cổ viện Chàm ( bảo tàng văn hóa Chăm ), một cột khói khổng lồ, mấy chiếc trực thăng phun bọt từ trên cao, không dám xuống thấp vì thỉnh thỏang lửa lại bùng lên như muốn táp lấy máy bay, khói lửa đan xen nhau bùng cháy suốt ngày hôm ấy chưa dập tắt được. Sáng sớm hôm sau, một tóan lính Mỹ hành quân vào xóm tôi lùng sục. Họ đi thành hàng dài súng ống lặc lè. Trước mặt nhà tôi có mấy quán cóc bán cháo, mì quảng, bún mắm, ốc hút ( một lọai ốc xoắn có rất nhiều ở Vũng Thùng_ĐN). Chú C gần nhà , một tay anh ,chị giang hồ có thành tích của xóm An Thị-Bến Phà, đang cầm gói ốc hút bọc bằng lá chuối , cuốn lại thành hình cái nón ngược, thấy tụi Mỹ đi vào làng, chú xí lô, xí là , cầm con ốc lên hút cái tọt, le lưỡi chắp chắp ngon lành, rồi chú mời mọc đám lính ăn thử. Đám nhóc tụi tôi có dịp bu quanh, lính Mỹ đa số còn rất trẻ, miệng nhai kẹo cao su hay hút thuốc salem, tay kẹp súng ống, lưng giắt nhiều lựu đạn lủng lẵng, có anh vắt qua vai, hai dây đạn vàng chóe, có anh đeo máy truyền tin (PRC25), cây ăng ten dài nghoe ngẫy, cái ống nghe cứ tút,tút, rẹt rẹt không ngớt. Vài chú lính Mỹ cầm lấy gói ốc, bốc đưa lên miệng, hút hút, rồi lắc đầu vì không ra được , chú C lại làm mẫu, cầm ốc lên hút nhẹ dưới đít ốc, rồi quay lại hút mạnh, con ốc tọt vào miệng, chú chép chép ngon lành, đám lính hưởng ứng ba bốn anh tranh nhau hút, ốc tọt vào miệng đem theo cả ớt, sả cay xè, nước mắt nước mũi ràn rụa, bọn tôi được một trận cười ngã nghiêng. Đó là lần đầu tiên tôi mắt thấy, tai nghe, tay sờ đám lính Mỹ, chứ từ trước tới giờ chỉ thấy họ đội mũ phi công ngồi trên trực thăng , ló đầu ra thập thò, hay ngồi trên xe thiết giáp, xe tăng chạy xình xịch ngòai đường.
Mùa thu năm ấy lại một trận pháo kích nữa nhưng mục tiêu là kho xăng dầu Liên Chiểu, sân bay Nước Mặn…xa xóm tôi nên ít bị ảnh hưởng.Ngày xưa ấy, với suy luận của một đứa trẻ, tôi cứ nghĩ chiến tranh vừa giống, lại vừa khác trò chơi đánh giặc giả. Giống vì người ta cũng chia hai phe đánh nhau, nhưng cả hai phe đều là người quen, họ hàng nhau cả, bằng chứng là: ba và chú tôi đi lính C.H, nhưng vẫn về thăm quê nội ở Điện Ngọc, lần nào cũng vậy chỉ ở đến 3giờ chiều là vội vã quay về, vì nơi ấy “ban ngày Quốc Gia, ban đêm Cộng Sản”, nghĩa là bên nội tôi theo phe kia ( sau này tôi mới biết chú họ, anh em họ trong đó người theo du kích, người là đặc công), cái giống nữa là cũng có bắn nhau, pháo kích ì xèo nhưng chẳng thấy chết ai (???!!! ), cả xóm tôi vẫn bình yên chỉ trầy giò, rách da sơ sơ thôi (??? !!! ). Khác nhau là súng đạn gì ghê quá, nổ kinh hòang, cháy khủng khiếp, đánh nhau gì mà dữ dội quá, máy bay, xe tăng quần đảo cả bầu trời, mặt đất, chắc nhiều người đổ máu, bằng chứng là máu chảy lem luốc hai bên thành, chiếc tàu cứu thương của Tây Đức ( máu từ những chiếc trực thăng tải thương đáp xuống tàu này )!!!
Ký ức tuổi thơ của tôi là chiến tranh, với những trận giặc gỉa và những trận pháo kích thật, nhiều năm sau tôi cũng trực tiếp tham gia cuộc chiến  ở Campuchia, sự khốc liệt, tàn bạo của  cuộc chiến, làm tôi suy nghĩ nhiều về xóm tôi ngày ấy, tôi đọc, lắng nghe và tìm xem những tư liệu chiến tranh để giải mã những bí ẩn, thắc mắc của tuổi thơ.Tôi dần dần hiểu được thế nào là chiến tranh tòan dân, tòan diện, thế nào là “cài răng lượt-da beo”. Đ.N là thủ phủ về quân sự ở miền Trung V.N, tôi đã tận mắt thấy những vũ khí hiện đại và bộ máy quân sự khổng lồ của quân đội Mỹ và V.N.C.H. Nhìn vào bản đồ thành phố Đ.N ngày ấy, nhà tôi ở vào vị trí “đắc địa”, nếu lấy nhà tôi làm tâm thì trong vùng bán kính 1 km có tổng kho An Đồn, lữ đòan tăng , thiết giáp, sân bay trực thăng, Lãnh Sự Quán Mỹ, trong vùng bán kính 5 km có quân cảng Tiên Sa, kho xăng dầu Essco, căn cứ Thủy Quân Lục Chiến ở BS, gần đó là kho quân tiếp vụ, cư xá sĩ quan, trong vùng bán kính dưới 10 km có hệ thống ra đa, trinh sát điện tử Sơn Trà, sân bay Đ.N, sân bay Nước Mặn…tòan là những mục tiêu mà đối phương thèm muốn. Còn Cộng Sản ( bây giờ là phe mình đấy ) có gì: bảy ông C.S đu cành đu đủ không gãy, không thấy xe tăng, tàu chiến, máy bay…Pháo kích vào Đ.N ngày ấy bộ đội ta lấy đạn của tên lửa H12 (chính là tên lửa Kachiusa của Nga Sô viện trợ, nhưng của họ lắp thành giàn, bắn hàng lọat 12 nòng), độ chế lại, gác lên chạc cây, đặt lên ván trượt thay bệ phóng, so với độ chính xác của vũ khí Mỹ thì, H12 chế lại ,chắc chắn sẽ làm thịt băm cả xóm tôi rồi.Lần pháo kích thứ hai của năm đó, chỉ một giờ sau máy bay Mỹ đã xuất kích, quần đảo cả bầu trời, mặt đất, tìm kiếm, lùng sục nhưng chỉ thấy mấy cái chạc cây, ván trượt nám khói, không chút dấu vết của pháo giàn, xe kéo…  Còn những lọai pháo khác nữa và đội quân bí mật, với bước chân rầm rập chạy qua xóm tôi ngày xưa ấy, họ chui ra từ đâu vậy.

Dần dần bí mật được giải mã, cô Bảy T ở xóm tôi ngày ấy đã bị bắt giam âm thầm, vì cô dám mang súng ngắn, định bắn tướng Hòang Xuân Lãm, tư lệnh vùng I chiến thuật hồi ấy, ngay trên cầu T.M.T, khi ông này đi thị sát chiến trường qua đây. Nhà cô Bảy là căn cứ ngầm, phe ta đội bèo (lục bình) vượt sông ,ém quân, súng đạn ở nhà cô, có một tóan quân đặc biệt ,được bồi dưỡng tiếng Mỹ cấp tốc ở đó, anh hai tôi hồi ấy hay lên đây học và kèm tiếng Mỹ, anh rất giỏi món này vì được học ở Hội Việt-Mỹ nhiều năm. Trong tổng tiến công năm ấy ( 1968 ), tóan quân này đã đóng giả lính Mỹ, nửa đêm đi thẳng vào cổng sân bay Đ.N,” làm thịt” đám lính và gài chất nổ phá máy bay…Gần đối diện nhà cô Bảy là lãnh địa của ông Biện Dưng, một địa chủ “có máu mặt”, con ông Biện là sĩ quan cao cấp C.H. Nhà ông bà T.T mà anh em tôi ngủ ké ,có con tập kết ra Bắc từ lâu rồi…còn nhiều những cơ sở khác nữa trong thành phố, họ là người “đề lô”-chỉnh pháo- để mũi tên, đầu đạn tuy vô tình nhưng có mắt, nhờ vậy mà pháo kích không biến xóm tôi–tâm bão của những mục tiêu- thành món thịt băm. Đó chính là chiến lược cài răng lượt, da beo, ta với địch chen vai, sát cánh bên nhau như láng giềng hữu nghị ( lô gô của hàng viện trợ Mỹ là hai bàn tay bắt chặt lấy nhau mà )!!!

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

PHÁO KÍCH ( Phần một TRÒ CHƠI )

PHÁO KÍCH


Nhà tôi ở Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung, lớn thứ hai ở miền Nam từ trước đến nay. ĐN ngày xưa chỉ có ba quận, quận 1 và 2 ở bờ tây sông Hàn, nằm ven quốc lộ 1, nối liền Bắc Nam. Quận Ba, nơi gia đình tôi sống nằm trên bán đảo Sơn Trà, ba mặt là sông và biển. Phía Bắc là dãy Sơn Trà, quanh năm mây trôi lang thang, có lúc kéo dài ra đến tận cửa sông Hàn như một dòng suối bạc, hai con mắt thần ( hai quả cầu màu trắng )trên đỉnh cao, hệ thống ra đa của quân đội Mỹ. Phía Nam là năm ngọn núi thấp lô nhô, gọi là Ngũ Hành Sơn hay Non Nước. xa hơn nữa là các xã vùng biển của tỉnh Quảng Nam : Hòa Hải, Điện Ngọc, Điện Nam, Cẩm Phô, Cẩm Kim…Hội An. Mặt đông của quận Ba là bao la trời biển, bãi biển ngày xưa rất hoang sơ, có nhiều rừng dương liễu, những bụi găng đầy gai và rau muống biển. Đi dọc bờ biển cả chục cây số chỉ có ba khu vực có nhà ở: một cô nhi viện ở bãi biển Mỹ Khê, khu cư xá sĩ quan Cộng Hòa trên con đường nối dài với cầu Trịnh Minh Thế và tu viện thánh Paolo ở bãi biển Bắc Mỹ An. Bên tây của quận Ba là dòng sông Hàn, một con sông khá sâu và rộng. Quận Ba nối với hai quận kia bằng một cây cầu sắt (cầu Trịnh Minh Thế ) và những chuyến đò qua lại trên sông, có một bến phà cho lọai phà gỗ lớn, phương tiện chủ yếu để qua lại, nhà tôi chỉ cách bến phà vài trăm mét.
So với hai quận kia thì quận Ba rất nghèo, dọc bờ sông là những căn nhà “chồ””lụp sụp, lọai nhà giống nhà sàn nhưng cắm chân dưới sông, vách , mái làm bằng phế liệu : tole cũ, vỏ thùng phuy, vỏ thùng thiếc, thùng đạn, giấy dầu ( giấy tráng nhựa đường )…mỗi nhà “chồ” thường có chiếc ghe ( thuyền ) nhỏ, sống bằng bán buông hàng rong, đổi nước ngọt cho các tàu chở hàng, đưa người qua lại trên sông. Sâu vào trong quận Ba chỉ có một con đường lớn, trãi dài từ cảng Tiên Sa vào tới Hòa Hải…Hội An, ba con đường nhánh, một ở dưới chân Sơn Trà, nối cảng Tiên Sa với làng cá Thọ Quang, một nhánh nối bến phà với bãi biễn Mỹ Khê và một nhánh nối cẩu TMT với khu dân cư  đàng hòang nhất thời đó: khu An Cư 1,2,3 và 4, cùng với khu cư xá sĩ quan CH. Hai trường lâu đời nhất quận Ba đều nằm ở nơi này: trường tiểu học An Hải, trường trung học Đông Giang. Dân quận Ba sống tập trung quanh ba nhánh đường ấy, phần lớn đất ruộng trồng các lọai rau và hoa, còn lại là gò cát với những bụi tre gai, những bụi găng, cây bời lời…
So với hai quận kia thì quận Ba rất giàu về quân sự. Sơn Trà có hệ thống ra đa, căn cứ trinh sát điện tử, sân bay trực thăng trên đỉnh núi. Dưới chân núi có quân cảng Tiên Sa nơi đóng quân thường trực của Hải quân Mỹ, tàu chiến thường vào đây neo đậu, có lúc tàu chiến, tàu đổ bộ ( gọi là tàu há mồm ) đi vào sông Hàn neo đậu gần đầu cầu TMT. Gần nhà tôi có tổng kho An Đồn ( hệ thống kho hậu cần lớn nhất miền Trung của Mỹ ), đối diện tổng kho là căn cứ xe tăng, thiết giáp, cũng có sân bay trực thăng ở đây.Xa hơn một tí là căn cứ lính Mỹ và kho quân tiếp vụ (các lọai thực phẩm như đường, sửa, thuốc lá, bánh kẹo, café đóng hộp ), xa xa nữa là sân bay Nước Mặn…với rất nhiều hăng ga ( hầm chứa máy bay , từ ngòai nhìn vào thấy chúng giống như những vòm cung úp xuống ).Từ nhà tôi, bước vài bước ra bờ sông ,nhìn sang bên kia thấy Lãnh Sự Quán Mỹ, một tòa nhà đồ sộ, kiên cố sơn trắng, ngay trước mặt nó luôn có một con tàu đẹp nhất sông Hàn thời đó neo đậu, con tàu nhiều tầng, nhiều ô cửa sổ, có sân bay trực thăng trên nóc tàu, sơn màu trắng tóat với chữ thập đỏ to tướng, tàu bệnh viện dã chiến ( hình như của Tây Đức )
Có lúc tôi tự hỏi: trẻ con trên thế giới thích chơi trò gì nhất. Với bọn tôi thời ấy, mà hình như tất cả trẻ con Việt Nam đều như vậy, thích nhất là trò chơi đánh giặc giả. Cả bọn chia hai phe, lợi dụng địa hình, địa vật: bụi cây, bờ cỏ, góc nhà ẩn nấp rồi bắn nhau pằng, pằng… Tôi vẫn còn nhớ vài câu thơ rất xưa :
“Con nhớ ngày xưa tuổi chín mười
Con cùng chúng bạn chơi giặc giả
Lấy cây làm súng thi nhau bắn
Đạn nổ trên môi, mẹ mĩm cười.

Những lần chiến bại con hãy khóc
Mẹ đến bên con để dỗ dành
Mẹ khẽ mắng yêu: “quân tệ nhỉ !
Không thương nhau, lại nỡ giết nhau đành

Bây giờ những ngã đường hoang phế
Quê hương đầy rẫy lửa căm thù
Ngước mặt nhìn dòng lệ nóng
Sầu nào hơn lòng mẹ thiên thu”

Vũ khí cũng rất đa dạng, đơn sơ thì có cây súng làm bằng một đọan lá chuối, nhờ mấy anh lớn rọc hết lá hai bên, cắt vào sống lá từng đọan năm bảy phân, nhưng không cho đứt hẳn, rồi bẻ lên như hộp tiếp đạn, gặp địch, đưa súng lên ngắm kỹ rồi vút mạnh, đọan bẹ đập xuống: bẹp, bẹp bẹp…”trúng rồi chết đi!”. Phức tạp hơn một tí có súng bắn đạn bời lời. Súng làm bằng đọan tre ngắn, lấy que cời than thông một lỗ tròn làm nòng, chuốt một que tre đặc, thật bóng làm chốt. Đạn là trái bời lời tròn và trơn vì mũ trái này rất nhớt, bỏ đạn vào nòng, núp kín trong lùm, thấy địch vào tầm ngắm, bắn một phát “bụp “, đụng đâu da đỏ ké, rát rạt, tương tự lọai này có súng ám sát, nòng bằng ống đồng của bút nguyên tử (bút bi), đạn là lọai cây mủ, vỏ dày, cứ cắm ống đồng vào lớp vỏ cây rối lắc nhẹ ra, sẽ có viên đạn tròn, bắn ở cự ly gần. Lựu đạn được làm bằng dây thép đai kiện hàng của quân đội, cắt từng đọan dài ngắn đủ cỡ, uốn cong thành cánh cung nhỏ, ghép lồng vào nhau nhiều lớp, ngòai cùng là thanh thép uốn thành hình số 2, rất giống cái mỏ vịt của lựu đạn thật ( lựu đạn M26, lựu đạn cà na, mãng cầu )gài vào nhau, khi ném trái lựu đạn rơi xuống đất sẽ bung ra, những mảnh thép bị uốn cong sẽ bật ra, tưng lên tứ phía bắn vào người đau điếng…Nhưng có lẽ trò chơi pháo kích là hấp dẫn nhất và cũng nguy hiểm nhất, có khi gây ra cảnh cháy nhà thật.

Trò chơi pháo kích xuất phát từ đám trẻ ở khu gia binh An Nhơn, đám vợ con lính sống trong trại, gần tổng kho An Đồn, họ có rất nhiều thuốc bồi (một lọai thuốc súng hình trụ, nhỏ cỡ đầu que diêm, dài chừng ô vuông trang vỡ học, suốt chiều dài thuốc có lỗ bé tí để thông khí ). Bọn tôi phải lấy dây thun ( dây cao su đủ màu ), bi ve, vỏ các bao thuốc lá: salem, basto, manbro, rubbi…( gấp hình tam giác) để đổi về. Thuốc bồi được bọc kín trong giấy bạc bao thuốc lá, xoắn chặt hai đầu, bỏ vào cái lon sửa bò đã mài mất nắp trên, lấy thêm vài viên đạn AR15,hay đạn súng lục,( xóm tôi thời ấy rất dễ tìm những thứ này ) dùng cái chày đâm ớt tỏi , cà thật mạnh vào cổ viên đạn, cà qua lại nhiều lần là có thể lấy đầu đạn ra, trút thuốc vào trên lớp thuốc bồi.Trò chơi đã đến hồi hấp dẫn, cả bọn lén lén cầm cái lon ra chổ thích hợp, ít người qua lại, ban đêm càng thú vị, tìm sẵn chổ nấp rồi quẹt diêm thả vào lon sửa bò, lửa bùng lên trong lon, đám thuốc bồi cháy,xé mí giấy bạc rồi bay vọt lên không trung, chúng giống như hỏa tiễn phóng vèo vèo, xịt khói đằng sau, có viên bay rất xa, có viên vừa bay ra khỏi bệ phóng ( lon sửa bò ) đã hạ độ cao, chuyển hướng bay ngoằn nghèo, rượt theo mấy ông nhóc chưa tìm được chổ nấp, cả đám reo hò, có viên bay thẳng lên nóc nhà tranh gần đó, cả đám hết hồn vừa la :“cháy ,cháy!” vừa chạy trốn. Lúc này mà bị bắt, chắc chắn nhóc nào cũng bị “nướng” cái mông như bánh tráng ( bánh đa ).Thời ấy,đâu có nhà trẻ, ít trường học, 7,8 tuổi vẫn còn quanh quẫn ở nhà với mẹ, cha chú thì đi lính CH, chỉ sợ nhất mấy ông anh!

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

SƠN TRÀ ( MONKEYS MOUNTAIN )( Phần tạm kết)


SƠN TRÀ ( MONKEYS  MOUNTAIN )

Tiều phu bất đắc dĩ có đủ thành phần. Hai hoa khôi của trường Đông Giang là TT và AT ( con của bác sĩ PĐ-LC ) cũng quần lững, áo thâm lên núi, hai cô công chúa cõng một khúc cũi cong queo nhờ ai đó chặt hộ bên rừng. Hai chị em L-L ở xóm tôi, sống bằng “vốn tự có “, bỏ con thơ mới 4 tháng tuổi ở nhà, lên non kiếm củi, tôi tình cờ dừng chân dười suối uống nước, bỗng thấy dòng nước trắng ngà, ngước nhìn lên thấy chị ấy đang bóp bầu vú cho sữa phun ra đỡ tức, còn thằng cu ở nhà chắc đang húp mấy thìa nước cơm sôi để nguội. Dừng chân bên suối ở cống 19, thầy N –nhà thơ NĐG, từng là hiệu trưởng trường Bồ Đề An Hải,dựa lưng vách đá, mắt nhìn mây trắng bay, lưng thầy như còm hơn sau chặng đường dài vác củi, lẩm bẩm những vần thơ
…Đẹp làm sao cô gái Bắc -Sơn Trà
Đêm tháng tám về rừng thông tình tự
Chiều Đông Giang dễ thương như thếu nữ
Nắng nhuộm dòng sông những sáng qua phà…
Hình như Sơn Trà ngày ấy chỉ những cô gái người Bắc “ năm tư” là xinh xắn nhất, có lẽ họ thừa hưởng dáng vóc của gái Thủ đô, họ cũng là dân chuyên nghiệp nhất, vì ở ngay dưới chân núi, thổ địa vùng này mà. Chiều dần buông, xa xa khói lam uốn éo bên những nếp nhà lụp xụp, mây trắng lang thang cũng tụ lại ở cửa Hàn, lom khom dưới núi tiều nhiều,nhiều chú ,hối hả, tất bật, gánh, vác những bó củi nặng ra bến xe lamb , lúc này “đồng nghiệp “gái Bắc-Sơn Trà đã áo quần sạch sẽ, túm năm, tụm ba tình tự trong rừng dương liễu, hay bên những luống khoai lang ven biển ,cũng làm nhiệm vụ cảnh giới kiểm lâm. Ngòai kia biển đã nổi sóng xôn xao, gió cũng ồn ào, lăn tròn những túm hoa lông chông, đuổi nhau chạy dài trên bãi cát bao la ,đã ngã màu tím sẫm…

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

SƠN TRÀ ( MONKEYS MOUNTAIN )


SƠN TRÀ ( MONKEYS  MOUNTAIN )
(Phần hai )

Sơn Trà cao gần 700 mét so với mực nước biển,dường như quanh năm đều có mây trắng quấn quýt trên đỉnh núi này. Là khu quân sự nên có những con đường rât tốt, trãi ngựa ,chạy ngoằn nghèo từ chân lên đến đỉnh núi, rồi có nhánh ra biển ở phía bên kia của núi. Trên này không có cột mốc kilomét , chỉ có những cống thóat nước lớn, mà dân đi núi chọn làm mốc. Đầu con đường gần cảng Tiên Sa, cống số 5 là suối Tiên Sa, kế bên căn cứ hải quân, cống số 8 nơi có đường mòn chạy ra bãi biển Thọ Quang, Sơn Trà ,cống số 32 là đỉnh sau đó có hai nhánh rẽ, bên phải là sân bay trưc thăng,bên trái rẽ ngược xuống về cảng quân sự phía bên kia núi, giáp biển Đông. Từ dưới lên trên , núi Sơn Trà có 8 chảo rada hình parabon, chia thành 4 cặp quay về các hướng, mỗi lần đi ngang qua chảo parabon, không cần thấy cũng biết vì tiếng hu u…u…u, tiếng gió rít hay tiếng sóng vô tuyến ( rada chủ động nên chắc chắn phải phát sóng quét rồi )Trên đỉnh, nhìn qua trái là 2 quả cầu khổng lồ: trái tim, bộ não của cả hệ thống rada..Quả cầu thép này được ghép từ bộ khung nhiều hình đa giác, sơn trắng như hai con mắt thần !
Trời hửng sáng, tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng cười đùa râm rang. Sương tan dần, nhìn xuống thành phố vẫn còn say ngủ, những ngọn đèn vẫn còn sáng, thấp thóang ẩn hiện trong sương mờ, lang thang dọc sông Hàn. Bây giờ đã nhìn rõ mặt nhau, người đi núi tụ tập từng nhóm nhỏ vài ba người:
-Bửa ni mi đi mô ?
-Lên cống 18, hôm qua tao thấy mấy cây giẻ tượt thẳng bon
-Cống 21 quá trời giẻ dốt dốt (cây đã bị chặt nên héo, nhưng chưa khô hẳn )
-Ri răng đi mi ! cái rựa cùn quá chặt gì nổi !
-Lên 24 đi, chổ máy bay rớt đó.
-Thôi ghê quá !
-Chớ mi sợ cái chi rứa ?
Đám này tản ra lại có đám khác tụ lại. Dọc con đường mhựa, người đi núi phải đi thêm một đọan dài rồi leo lên dương (lên cao hơn ), hoặc xuống âm (xuống dưới lũng ), vào sâu bên trong tìm cây chặt, bó lại rồi gánh, vác, kéo lê…đủ kiểu từ  amatuer (nghiệp dư ) cho đến dân pro (professional-dân chuyên nghiệp kiếm cơm bằng cái rựa ), cũng có một số hành nghề đốt than, là tác giả của những cột khói trắng chờn vờn rải rác quanh núi.

Sơn Trà còn được biết đến với tên Núi Khỉ ( monkeys mountain ), cái tên này chắc do người Mỹ gọi vì có rất nhiều khỉ trên núi, nổi tiếng trên thế giới là  Vọoc chà và chân nâu ( quý hiếm và gần tuyệt chủng ) đang có mặt tại đây, nhưng dân đi núi sợ nhất là khỉ Giá Quàng , lọai khỉ đơn độc, có miếng vá trắng quanh cổ như quàng khăn, khi gặp người nó thường chộp lấy vai, nhăn răng nham nhở ra cười làm nạn nhân sợ chết khiếp. Nhiều khỉ cũng dễ hiểu vì Sơn Trà có nhiều trái cây. Ở tầng thấp gần đất là trái dỏ dẻ, nó mọc dưới mặt lá khó thấy, chỉ có người biết mới tìm , bụi dỏ dẻ thấp, lá vò nát có mùi thơm hăng hắc, lật mặt lá lên sẽ thấy những chùm trái chín màu cam, trái nhỏ như lóng tay ngón út, mọc từng chùm như nải chuối, ăn ngọt lịm, cứ bỏ vào miệng nuốt cái “ực “, đã thèm. Cao hơn,ngang thắt lưng là trái sim. Sim mọc chen với những bụi mua hoa tím cả một vạt rừng. Những bụi sim thường ở nơi trống trãi, đồi trọc, lúc chín trái tím đen, mọng,ngọt, nhiều hạt li ti, trái sim ngọt hơi chát, ăn vào khó chối vì cái miệng tím rịm. Tầm ngang người là trái gắm, là lọai dây leo nhưng không ở trên cao mà chỉ ngang người, trái gắm không ăn sống được,phải nấu thật lâu mới chín. Trái già có màu xám trắng, nấu chín có màu vàng rơm,lớp vỏ mỏng dai bóc ra hơi cứng, phần cơm dầy nhiều tinh bột, lúc đói có thể ăn thay bửa, vị bùi bùi hơi đắng. Cao hơn là chuối rừng, quả bứa. Trái này vỏ dầy nhiều mủ, trong nhiều múi mọc hơi giống măng cụt, trái bứa chắc chỉ nấu canh chua ,vì chỉ có mấy vị đang bầu bì mới thèm ăn nổi,cũng có chôm chôm,vải dại chua nhiều ngọt ít. Dâu da cũng khá nhiều, trái này mọc từng chùm có cọng dài đong đưa, chen chúc nhau quanh thân cây, có những cây dâu da cho trái ngọt từ vỏ cho đến ruột, một cây dâu có thể hái vài bao trái chín. Tầng cao hơn có trái nhung, trái bù lột. Nhung chín màu tím, vỏ mượt như nhung, ăn ngọt hơi chát. Trái bù lột giống trái xoan (sầu đâu ), lúc chín màu cam rực rỡ, ăn ngọt thanh hơi có vị chua. Dân đi núi rất thích lọai này vì cây bù lột rất thẳng, gỗ cứng nhưng nhẹ và dễ bóc lớp vỏ ngòai , chặt cả cây vừa ăn trái chín vừa có củi tốt.

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

SƠN TRÀ (MONKEYS MOUNTAIN )



SƠN TRÀ ( MONKEYS  MOUNTAIN )
 Phần mở đầu
4 giờ sáng, trời bắt đầu mát dịu, đây là thời điểm ngủ ngon nhất của một ngày hè miền Trung nhưng…Tiếng “binh…binh..binh “của xe Lambretta như đánh thức mọi người. Tôi mệt mỏi ngồi dậy xuống bếp đánh răng, rửa mặt, mẹ đã chuẩn bị sẳn một nắm cơm vắt, khóet cái lỗ bỏ vào đấy muỗng mắm ruốt rồi bít lại bằng cơm cho kín,bửa sáng trên bàn là bát khoai lang khô, cõng  mấy hạt cơm ăn với chút mắm. Ăn xong tôi khóat cái túi tự chế bằng bao cát công sự, có dây đeo, bên trong là cái rựa bén ( một dụng cụ để chặt, đốn cây),nắm cơm, cái bình bi đông đựng nước và một miếng mốp để lót vai.Bến xe Lamb gần trường Khiết Tâm đã đông người, lần lượt rời bến hướng về núi Sơn Trà. Năm ấy-mùa hè 1975- tôi vừa 13 tuổi, nhỏ con, ốm đói nhưng không yếu !
Từ Nam ra Bắc, núi Sơn Trà rất dễ nhận ra từ xa nhờ 2 quả cầu màu trắng trên đỉnh ( bây giờ hình như chỉ còn một ) Đó là trung tâm phân tích tín hiệu và kiểm sóat hệ thống rada quân sự, phủ sóng phần lớn vùng biển đảo Việt Nam. Sơn Trà nằm phía đông bắc thành phố Đà Nẵng, là phần nhô ra của bán đảo Sơn Trà, trước 1975 là khu quân sự, dân thường không được phép thâm nhập, nhưng ngay mùa hè đầu giải phóng, dường như dân nghèo ĐN, lớn bé.trẻ già ai còn sức đều lên núi để kiếm củi, vừa làm chất đốt vừa buôn bán kiếm cơm qua ngày.

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

TRỨNG KHÔN HƠN


TRỨNG KHÔN HƠN
           
Con gái tôi năm nay 9 tuổi học lớp 3. Sáng nào hai ba con tôi cũng gọi nhau dậy để đi học, đi làm. Tôi thường đưa con đến trường, dừng lại trước cổng, mua cho con đĩa cơm tấm, bột chiên trứng hoặc tô phở,rồi cho thêm 10 ngàn dặn con mua chai sửa tươi uống, còn lại 5 ngàn tiêu vặt.
Mấy hôm này Sài Gòn nắng nóng, có lúc trên 37oC, ra đường xe cộ chen chúc, dừng ở ngã tư đèn đỏ mà chờ có khi nóng đến 42oC.
Chiều con gái đi học về kêu ba ơi, ba à.giúp con với. Bé đưa ba một cái quạt dùng pin nhỏ xíu:
-Con ngồi học nóng quá,ướt áo, ướt tóc. Con mua cái quạt này hết 10ngàn nè. Ba cho con 2 viên pin bỏ vào xài.
-Tiền đâu con mua vậy.
-Ba cho buổi sáng con để dành mua đó !
Tôi lấy trong tủ ra 2 viên pin, bỏ vào quạt, thử tới thử lui không chạy, tôi mở ra kiểm tra công tắc không hư, vậy là hư mô tơ điện rồi.
-Sao hôm trước mẹ mua cái lồng đèn Trung Quốc đẹp thế mà con nhất định không chơi, bỏ vào thùng rác. Bây giờ con lại mua cái quạt TQ này về.
Con gái tôi trố mắt nhìn.
_Con hỏi ba nhé !Nếu đồ TQ bán 1 ngàn ba mua không ?
-Tất nhiên là không
-Đồ của mình làm bán 10 ngàn ba mua không ?
-Nếu cần dùng thì mua chứ !
-Con đang cần nên con mua nè, 10 ngàn lận chứ ít đâu, sao bà bán hàng là người lớn mà lừa trẻ con mua đồ TQ.
-Đồ TQ thì sao con ?
-Cả trường (tiểu học) Thuận Kiều của con đều biết , cô con cũng dặn rồi: đồ chơi,đồ ăn TQ độc hại không xài.
-Vậy sao con không hỏi trước khi mua ?
-Con có hỏi chắc bả cũng không nói đâu ba ơi. Mà con biết làm sao phân biệt rồi!
-Làm sao con.
-Đồ TQ bỏ vào thau nước sẽ nổi lên lúc nhúc những con đĩa tí ti.!
-Vậy bây giờ làm gì với cái quạt này đây. Tôi ngần ngừ định cất vào tủ khi nào rãnh đem ra sửa. Hình như đóan được suy nghĩ của ba, con gái ôm cổ ba hôn cái” chụt” thật kêu, rồi chỉ tay vào thùng rác trước nhà
-Làm ơn đi mà ! ba !
Trẻ con bây giờ viết thư gửi cả đến bác Tập bên TQ để phản đối hành động ngang ngược bắn phá tàu đánh cá của ngư dân, còn người lớn thì thậm thụt bắt tay với bọn TQ, khóat áo Blu Việt làm lang băm ngay tại thủ đô HN, thuê đất trồng lúa thí nghiệm ngay trên cái nôi của nền văn minh Lúa Nước,phun thuốc sinh hóa vào trái cây để thu họach lẹ, hốt tiền nhanh…Đúng là trứng khôn hơn vịt !