Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

BỂ DÂU ( Phần hai )

( Phần hai )




    Bọn tôi học với nhau từ năm lớp ba. Cô nàng có cái tên đẹp, bọn tôi lại hay bị “cặp đôi “ trong lớp ,nên cái tên ấy luôn được viết tắt LTLT, ghép cả tên và họ của tôi với cô nàng. LT dân gốc cố đô Huế, gia đình theo đạo Thiên Chúa. Ba LT là một thiếu tá chế độ cũ. Hồi ấy, sáng sáng trên đường NQ, bọn trẻ nghèo chúng tôi lội bộ mấy cây số tới trường, vừa đi vừa vẫy tay với những chiếc xe dọc đường xin đi nhờ, có lúc đi nhờ cả xe lính Mỹ, LT và chị, học trên 2 lớp, luôn đến trường trên chiếc Zeep lùn do chính ông thiếu tá rất bảnh bao, mặc quân phục ủi láng cóng chở con đi học, không bao giờ bọn tôi xin đi nhờ được trên chiếc xe ấy..
    LT dáng thon thả, tóc thề lúc buông  dài ngang lưng, mặt trái xoan với đôi mắt đen to đượm buồn, đôi mày thanh tú, sống mũi dài làm cái miệng nhỏ xinh càng xinh, khuôn mặt LT giống như mặt Đức mẹ Đồng Trinh trong tranh, tượng. Trong lớp LT và tôi đều ngồi đầu bàn, cách nhau cái lối đi lên bảng.Nhà tôi rất nghèo nhưng tôi luôn đứng nhất, nhì lớp, còn LT xinh đẹp lại hát rất hay và hình như thích chọc ghẹo tôi lắm, nên bạn bè mới” cáp đôi”. Thời ấy tôi học một buổi, còn buổi kia đi bán hàng rong, cứ mỗi lần đeo thùng cà rem ngang nhà LT là tôi như cuống lên, kéo nón che mặt cắm cúi đi lẹ qua, vì hay bị cô bé nấp đâu  đó dưới giàn thiên lý trước hiên nhà, kêu lại mua kem cho bằng được.(Nhà LT ngay trên đường NQ, thời ấy mặt đường khá cao, có khi gần bằng nóc nhà dân hai bên đường, người ta thường làm giàn để tròng bầu, bí, mướp hoặc dưa tây, hoa thiên lý để che bớt bụi)
    Xuân năm 1975 ,tin tức chiến sự, dòng người di tản… như báo hiệu những cuộc chia ly không ngày hội ngộ. Lớp học kết thúc trong tâm trạng hoang mang, lo lắng, LT hát tặng các bạn bài Gọi Tên Bốn Mùa của TCS, giọng ca thanh cao, rung động,truyền cảm , khá già so với cái tuổi 13, 14 khi ấy:
“Rồi mùa xuân không về,mùa thu cũng ra đi .Mùa đông vời vợi, mùa hạ khói mây
Rồi từ nay em gọi, tình yêu dấu chim bay. Gọi thân hao gầy, gọi buồn ngất ngây…
Ôi tóc em dài đêm thần thoại,vùng tương lai, thật xa xôi…


    Đường đời hai đứa như những nếp khúc quanh co, lâu thật lâu lại chợt “chộ” nhau (gặp nhau)..Năm năm rồi gặp lại, nàng bây giờ 18, độ tuổi chín muồi của tình yêu và khát vọng. Tôi vẫn như xưa cứ thấy nàng là đỏ mặt ấp úng, hơn nữa thiên hạ đang ngắm nàng trong bộ đồ tắm, trên bãi biển sóng đã lao xao của một sáng đầu hè…Sau ngày giải phóng gia đình nàng dọn về quê nội ở đất cố đô, ba nàng đi cải tạo, nhà xưa đã mất.Khó sống quá, gia đình nàng quay lại ĐN .Nhà nàng bây giờ nằm trên con đường ra bãi tắm MK, ngôi nhà nhỏ, phía trước kê cái bóng bàn cho thuê tính giờ, phía trong thả tấm lưới ngăn lưng lửng, để hai khung  đan mành mây xuất khẩu.Thường thì mấy mẹ con ngồi  suốt ngày bên khung mành mây, luôn tay đan, chuốt. Chị LT không thấy, chắc đã sang ngang trên một con đò nào đó, còn lại anh trai và em gái. Đàng sau là nơi ở và bếp núc…khá đơn sơ.. Chiều đi làm về hay ngày chủ nhật rảnh rỗi, tôi lại lôi thằng bạn PA đi đánh bóng bàn. Tôi chơi bóng bàn cũng tàm tạm, thỉnh thỏang lại tung những cú đánh xuất thần ,làm khán giả ồ lên thán phục.. Tôi rất ghét thi đấu ăn thua, vì chơi bóng kiểu đó thường phải đánh bóng thật hiểm ,ngắn, xoắy chìm, ghìm nhau sát bàn, còn chơi giải trí kiểu này, tôi tha hồ tung ra những cú rờ ve lốc xoắy ,để quả bóng không kịp đỡ chui tọt qua mành lưới, tôi lăng xăng chạy ra sau nhặt bóng, tranh thủ nhặt nhạnh cái nhìn trìu mến, nụ cười thân thương của cô bạn ngày xửa, ngày xưa. Bàn bóng nhà nàng luôn đắt khách, có nhiều chàng ra ngồi chờ cả buổi chẳng thấy cầm vợt chút nào. Mà có cầm được vợt chắc gì đánh trúng bóng, bởi con mắt cứ liếc xéo xẹo ra sau nhà. Trong đám ấy có một thằng bạn tôi dân Bắc, ông già làm phó giám đốc công ty KTHS… Lâu lâu lúc  ít việc ,thấy tôi ngồi chờ bàn trống, nàng ngoắc tôi ra sau, hai đứa ngồi bên nhau, dưới bóng cây trứng cá tâm sự chuyện xưa, chuyện nay. Tôi đã đi học trường nghề, vừa học vừa làm, có tiêu chuẩn tem phiếu, đủ giúp đỡ gia đình qua lúc khó khăn. Nàng cũng  nghĩ  học nửa chừng, buôn bán không quen, cả nhà sống nhờ vào mấy mành mây xuất khẩu và cái bàn bóng đó. Đôi lúc nàng nhìn tôi thật âu yếm, rồi làm như vô tình, nàng nghiêng đầu vào vai tôi cười khúc khích, tóc  dài bay bay, ngọn tóc cũng nghịch ngợm như nàng ,cứ quẹt quẹt vào mặt tôi nhột nhột.Đôi lúc cũng có những quãng lặng, chỉ có tiếng lá xì xào và xa xa vọng về tiếng sóng biển nôn nao.

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

BỂ DÂU


BỂ  DÂU ( mở đầu )
    Một sáng sớm đầu mùa hè, như thường lệ, bọn tôi hay rủ nhau chạy bộ ra biển Mỹ Khê tắm. Trời còn mờ tối, dọc con đường NCT, từ bến phà sông Hàn ra biển vắng tanh, sương đêm còn vương trên những đọt cây, mõm lá làm không gian mát lạnh, thỉnh thỏang vài chiếc xe lam chở rau quả, hoa tươi đi chợ bán, tiếng nổ giòn “binh…binh…binh”, phá tan sự yên tĩnh muộn màn của một đêm hè. Hồi chuông mõ công phu từ chùa An Hải ngân nga, ngân nga như  à… ơ…gọi mọi người hòan tục, để bắt đầu một ngày mới trong cõi trầm luân.
    Bãi biển còn tối mờ, sóng rất êm vỗ nhè nhẹ vào bờ cát mênh mông trải dài, những hàng dương liễu còn ngủ mê trong bóng đêm, giật mình tỉnh giấc vì bước chân ai sột sọat trên cát và lá khô. Một đám ngư dân kéo dài thành hàng dọc, từ trên bãi xuống tận mực nước ngang lưng. Trời sáng dần nhìn kỹ mới thấy, mỗi người chỉ mặc một cái bao bố, che nửa phía trước, ngang lưng họ thắt sợi dây thừng nhỏ rồi bắt chéo vào một sợi dây thừng to, dài kéo ra biển xa, mỗi người cách nhau khỏang mét, họ đi giật lùi kéo lưới vây, khi người cuối cùng đã vào  sâu trong bãi, họ lại tháo dây đi ra đầu hàng nhập bọn kéo tiếp, họ lặng lẽ, nhẫn nại…nhiều hôm mặt trời đã lên cao, họ vẫn còn kéo, nhìn những cái mông trần đen sạm trên bãi biển đã nhiều người, cái cảm giác  ái ngại, xót xa cứ mãi đeo bám trong tôi.
    Bọn tôi ào xuống biển lặn hụp, nhào lộn cho  nóng người, vì nước biển lúc  ấy rất lạnh, thường thì trên đường chạy ra bọn tôi nhặt vài cục gạch vỡ, để lúc này chơi trò lặn tìm kho báu, ném cục gạch đi xa rồi tranh nhau bơi , lặn nhặt lên. Ai nhặt được sẽ đứng trên bệ phóng do người còn lại chụm tay vào làm, rồi tung lên không nhào  cái ùm xuống nước .Người tắm đã nhiều, tôi vô tình ném cục gạch hơi xa, lại rơi gần đám đông, cả bọn nhào lặn muốn hụt hơi không thấy , nắng cũng đã chan hòa, tôi la to:
-Lên thôi tụi bây ơi, của cát bụi trả về cùng cát bụi…rối cả bọn ào  ào kéo vào bờ. Bỗng tôi nghe giọng nói phía sau
_Dưới ni cát bụi mô mà có ! Tôi chựng người nhìn lại, mặt tôi đỏ lựng, trước mặt tôi, gần không thể gần hơn, cô bạn học xinh như đức mẹ đồng trinh, ngõen miệng cười châm chọc .

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

CÔ GÁI CÙ LAO





( phần cuối )
    Đêm hôm ấy tôi có dịp để biết về một cô gái ở cù lao Chàm. Chỉ  cách Hội An có mấy giờ tàu chạy, nhưng cù lao rất cách biệt. Ngoài ấy không có điện, không có trường học, không có bệnh viện, không có đường giao thông và dĩ  nhiên sẽ không có rất nhiều thứ nữa .Dân cù lao Chàm sinh sống bằng nghề đánh cá, trẻ em phần lớn loanh quanh trên đảo với sóng nước muôn trùng, lớn lên một chút nếu không có tiền để gửi vào HA đi học thì sẽ lênh đênh trên biển phụ giúp gia đình.TP được cha mẹ gửi vào học hết lớp 9, về cù lao theo nghề biển, rồi vào HA học may.. 18 tuổi nhưng TP chỉ biết một ít về HA, rất nhiều về cù lao Chàm ngoài ra gần như không còn biết đâu xa, TP chèo xuồng, lắc thúng rất giỏi nhưng không biết đi xe đạp vì ở đó đâu có đường bộ, Nhưng cô gái cù lao làm tôi vô cùng ngạc nhiên, thích thú khi nói về những cuốn sách:.Bão Biển của Chu Văn, Học Phí Trả Bằng Máu của Nguyễn Khắc Phục ,Ruồi Trâu, Những Đứa Con Đường Phố Atbat( của nhà văn nước ngoài)…Đó là những cuốn sách rất hay nhưng rất khó đọc vì nó viết về những khía cạnh sâu kín, tế nhị và rối rắm trong lĩnh vực tôn giáo, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng. Giới trẻ ngày ấy rất ít đọc và ngày nay chắc còn hiếm đọc hơn..Khi tôi hỏi về ước mơ TP trả lời rất tự tin: Em muốn làm một chiến sĩ  biên phòng bảo vệ biển đảo quê hương!
    Sáng hôm ấy chiếc tàu gỗ cũ kỷ, ọt ẹp, phun khói đen ầm ầm lướt sóng ra cù lao. Được hơn một giờ có tàu của bộ đội biên phòng cặp mạn kiểm tra . Hình như chỉ có mình tôi là người lạ nên được mấy ảnh quan tâm đặc biệt, may có TP, tôi cứ y như lời dặn mà khai báo, rồi mấy ảnh cho đi, nhưng giữ lại CMND hẹn khi về ghé đồn Biên Phòng trên cù lao nhận lại .Gần 10 giờ tàu đến cù lao, hòn đảo nhỏ bé nằm lọt tõm giữa đại dương mênh mông, từ trên tàu nhìn xuống cả cù lao chỉ có được 2 công trình xây bê tông kiên c, đó là cầu cảng và đồn biên phòng. Vừa đến bến tôi nhận ra mấy chiếc tàu của XN KTHS, TP nhìn tôi một lúc rồi  cười tủm tỉm 
    _Em trả anh lại cho đám bạn đó, nếu có rảnh ghé nhà em chơi nhé! Rồi em bước vội , tôi chụp lấy tay em như sợ em biến mất
    _Anh chưa biết nhà em mà. Em cười rộn rã, mái tóc tung tăng trong gió biển, hai gò má ửng hồng, mắt long lanh, đôi môi đầy dặn, răng trắng đều, tất cả như cố trêu chọc tôi.
    _Ở đây ai cũng biết em mà, anh lo xa chi mệt!
Tôi đứng dõi mắt theo em đi xa dần cùng với đám cư dân trên đảo, họ khuất dần trên những con đường mòn quanh co, ẩn hiện trong cây cỏ, đá núi.Tôi tìm đám bạn trên đội tàu cá, chúng ngạc nhiên lôi tôi xuống tàu, hỏi han đủ thứ cứ như lâu ngày không gặp.Được một lúc tôi  rủ mấy đứa đi uống càfe,tụi nó nhìn tôi cười hô hố. Ở đây chỉ có một quán cafe nằm trên hốc núi, nhưng trước khi đi mở hm ướp cá, lấy mấy cục nước đá bự bự đem theo. Đây là bãi Làng nơi tập trung dân cư trên cù lao, còn nhiều bãi nữa ven chân núi nhưng xa lắm đi bộ mỏi giò chưa tới , chiều nay mi lên tàu, tụi tau chạy một vòng quanh cù lao là thấy hết, mà mi có quen ai ở đây không.. 
    _Có,tau mới quen một cô bé tên TTP.Bỗng cả bọn quỳ thụp xuống sàn tàu đang lắc lư theo con sóng, hai tay chụm lại cung kính như phim Tầu
    _Sư…ư…phụ…ụ.! ! ! .Chúng tranh nhau hỏi rối rít, thiệt không, đi đi ngay. Quơ vội mấy cái áo xanh công nhân, khoát lên người, chúng lôi tôi xuống cầu cảng, rảo bước vào bãi Làng.
Cù lao Chàm còn rất hoang sơ, biển cả bao la, nước trong xanh ngắt nhìn thấy cả đáy, với san hô và cá lội tung tăng, những bãi cát vàng lấp đầy vùng lõm của eo núi  nối dài ra biển, ven bãi những chiếc thúng chai (loại thúng tròn làm bằng tre già, trét kín nước bằng dầu cây chai),nằm phơi mình tắm nắng, vài chiếc thuyền nhỏ không mui, tròng trành ngọn sóng.Trời nước bao la, không gian vọng tiếng bập bõm của sóng vỗ vào ghềnh đá, mạn thuyền , gió lồng lộng rong rũi khắp núi đồi, níu kéo, lả lơi với những thân dừa uốn éo. Nhà dân trên cù lao rất đơn sơ, chủ yếu bằng cây rừng, vách, mái bằng lá dừa.,trong nhà cũng trống trãi, không tivi, quạt, xe máy. Chỉ có radio, vài bóng đèn xài bình accu.
Đi bộ một hồi, len lõi qua những con đường mòn, chen chân giữa cây cỏ và đá sỏi,đám bạn dẫn tôi xuống một ngôi nhà nằm ven bãi cát. Đầu ngõ là mấy cây dừa ngã nghiêng chào khách, bước vào trong một khoảng sân rộng đầy hoa nắng, bởi phía trên che gần kín bằng những giàn bầu , mướp và những tấm vĩ  tre phơi đầy cá, mực…Đám bạn tôi nhao nhao lên tiếng :
    _Chào bố
    _Bố à , bố ơi
    _Bố có nhà không?...Trong nhà bước ra một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu, dáng người thấp chắc.
    _Chào mấy chú. Hôm nay mấy chú xí nghiệp (KTHS) tới chơi vui quá hả!
    _Tụi con dẫn bạn TP thăm bố nè!
    _Chú nào đâu, con gái tôi có nói rồi, mời mấy chú vào ăn cơm trưa luôn!
    _Con chào chú, con là bạn TP-Tôi vừa ngạc nhiên vừa ngượng ngùng-Tụi con làm phiền gia đình quá,con mới ra sáng nay, ghé thăm chú thím …chứ đông thế này..ngại quá!
TP từ sau bước ra, mặt ửng đỏ, mồ hôi lấm tấm
    _Em biết ngay mà, ngon dỡ hổng chê là được rồi, có đủ cho bạn anh mà!
Bọn tôi ngồi quanh chiếc chiếu trãi sẵn dưới nền đất,cứ như là dọn tiệc, rất nhiều món, tất cả đều là hải sản tươi hoặc khô. Gỏi cá nhám (cá mập còn nhỏ),ăn với chuối chát, khế, rau thơm chấm nước tương làm từ gan cá với đậu phộng rang.Canh chua cá mú nấu với trái bứa(một loại trái rừng hơi giống măng cụt, nhưng màu vàng và chua thanh),cá tắc kè (giống con tắc kè, thịt thơm ngon như thịt gà)bóp muối tiêu rau răm, mực khô xé trộn tép bưởi…tôi nhìn quanh tìm  cơm thì mẹ TP bưng ra một nồi lớn, mở nắp vung thơm lừng, lớp trên cùng là mực cơm hấp, bên dưới là cơm dẻo, hơi béo và tím màu mực…Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa từng được ăn một bửa ngon như thế !  Hơn 3 giờ chiều bọn tôi xin phép về để kịp ra khơi.Tôi bịn rịn chia tay em…Biết tôi còn nhiều điều muốn hỏi ,em nhìn tôi âu yếm cười: ở đây không có hàng quán gì nên em nấu nướng sẳn đón bọn anh đó. Em thỉnh thoảng về đất liền mua mắm, muối dầu mè, kim chỉ,  áo quần may vá cho bà con, nên ai có việc gì cũng ghé đến. Đám bạn anh cũng thân thiết với cha, mẹ em đó, anh thấy không !
    Chiều hôm ấy, bạn tôi cho tàu chạy quanh cù lao trước khi ra khơi, ngang qua nhà, hình như em đã biết trước nên đứng đợi bên thân dừa trước ngõ, vẫy tay chào tạm biệt. Tôi có ngờ đâu những kỷ niệm buổi đầu cũng là hành trang vĩnh biệt.!
Sau hai ngày khai thác tôm trên biển , tàu được tin báo bão phải quay ngay về đơn vị ở Đà Nẵng, không kịp ghé lại cù lao Chàm. Tôi với em có gửi cho nhau những lá thư ngập tràn niềm thương nhớ, em còn tặng tôi những tấm hình để nhớ mãi nghe anh !  Rồi cơn bão số 6 năm ấy đi qua cù lao. Tôi nghe tin tức trên đài mà bàng hoàng, đau đớn :Cả xã đảo cù lao Chàm chỉ còn đồn biên phòng và cầu cảng là nguyên vẹn, gần hết nhà dân tan nát,hơn nửa dân cư chết hoặc mất tích trên biển…Thư tôi liên tiếp gửi đi, rồi lần lượt quay về vì không có người nhận…Mấy lần tôi muốn ra cù lao nhưng không được, vì XN KTHS của đám bạn tôi đã chuyển ngư trường vào Phan Thiết, Vũng Tàu, vì lý do  an ninh và nhiều lý do khác nữa…Tôi đã từng chiến đấu ở K, tận mắt chứng kiến những thương tật,hy sinh của đồng chí, đồng đội, chẳng nổi đau nào giống nhau, nhưng chiến tranh và ở ngay chiến trường đau thương cũng dần quen. Còn bây giờ đã bình yên, ngay giữa đời thường, quanh ta mất mát thật khó mà quên được. Hình như từ đó, trong tôi luôn sống với tư thế chịu đựng những đau đớn hơn, khổ sở hơn…Thật vậy, vài năm sau tôi vào Sài Gòn sống, lại tức tốc quay về, để đưa chị tôi vào cõi vĩnh hằng ,để lại 2 con nhỏ , đứa sau chưa thấy mặt mẹ . Vài năm sau nữa, em trai út cũng ra đi vì tai nạn giao thông, chú ấy nằm đó chỉ còn cách nhà trăm mét, mắt vẫn còn nhìn về phía cổng nơi vợ và hai con nhỏ đang đứng đợi…